VÀI LỜI TÂM SỰ- PHẦN 11
Các bạn đồng nghiệp thân mến,
Sau 2 năm dịch Covid hoành hành tại Việt Nam, tôi mới về thăm lại quê hương hai tháng 5 và 6 năm 2022. Hội Siêu âm Việt Nam VSUM có tổ chức một hội thảo về Siêu âm cấp cứu bụng tại ĐHYK Cần Thơ ngày 11 tháng 6 vừa qua và có mời tôi tham dự. Tôi được mời chủ tọa phiên họp sáng cùng với PGS TS Nguyễn Phước Bảo Quân và phát biểu sau lời khai mạc của Hiệu trưởng ĐHYK Cần Thơ.
Sau đây là đường dẫn trên You tube bài phát biểu dài 6 phút và nội dung tôi mới ghi lại để các bạn đồng nghiệp dễ theo dõi.
VÀI LỜI KHUYÊN CỦA MỘT THẦY THUỐC
VỚI CÁC ĐỒNG NGHIỆP- ĐÀN EM
BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG
Với tư cách là một đàn anh trong ngành CĐHẢ (từng là nội trú về X Quang, tiền thân của ngành CĐHẢ, năm 1974 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Sài Gòn) và là một người thầy (từng là chủ nhiệm Bộ môn CĐHẢ tại ĐHYK Phạm Ngọc Thạch khoảng 15 năm), tôi xin đề xuất ngắn ngọn 3 điểm sau đây với các đồng nghiệp-đàn em:
1/ Nên luôn luôn trau dồi kiến thức
Chừng nào chúng ta còn phục vụ bệnh nhân, chúng ta nên học thêm kiến thức mới, nhất là trong chuyên khoa của mình, để không bị lỗi thời và để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. GS Nguyễn Hữu, một vị Thầy tại ĐHYK Saigon trước 1975, có dặn dò chúng tôi: “Người bác sĩ là người sinh viên suốt đời”. Qua câu nói này, chúng ta hiểu rằng chúng ta còn phải học tiếp tục sau khi đã ra trường, học mãi cho đến khi chúng ta không còn làm về ngành Y nữa. Ông Tổ ngành Tây Y Hippocrate cũng đã nói: “ Khoa học thì mênh mông, cuộc đời thì ngắn ngủi, cơ hội thì hiếm có ” (La science est vaste, la vie est courte, l’occasion est rare). Hội thảo hôm nay do Hội Siêu âm Việt Nam kết hợp với ĐHYK Cần Thơ tổ chức với sự tài trợ của công ty Philips và công ty Y Việt đã mời các chuyên gia hàng đầu về Siêu âm của Việt Nam đến đây trình bày, há chẳng phải là cơ hội hiếm có sao?
2/ Nên truyền bá kiến thức của mình
Thiên chức của người áo trắng chúng ta là phục vụ bệnh nhân càng nhiều càng tốt. Chính vì thế, chúng ta không nên giữ kiến thức riêng cho mình mà nên truyền đạt chúng cho các đàn em, các học trò để nhân rộng tầm phục vụ bệnh nhân, nhất là ở vùng sâu và vùng xa.
Đức Đạt-Lai Lạt-ma có nói: “Có một cách để trở nên bất tử, đó là truyền bá kiến thức”. Chúng ta là những trí thức, tôi tin chắc là chúng ta cũng muốn như tổ tiên đã dạy: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, phải không ạ ?
3/ Nên phục vụ tốt bệnh nhân
Ngành Y của chúng ta có một ngày lễ tầm cỡ quốc gia, đó là ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27 tháng 2 hàng năm. Vì sao vậy? Vì Nhà Nước và nhân dân luôn xem trọng nghề Y của chúng ta, đó là một nghề cao quý. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng lý tưởng hóa cuộc đời như thời bao cấp, phục vụ hết mình trong khi bụng lép xẹp. Ngược lại, khi Nhà Nước mở cửa thì chúng ta lại sống thực dụng, làm giàu trên sự đau khổ của bệnh nhân.
Có một câu của người xưa mà tôi rất thích, đó là “Có Đức mặc sức mà ăn”. Vì thế, chúng ta nên làm giàu về phước đức chứ không nên làm giàu về tiền bạc vì tiền bạc cũng như danh vọng chỉ phù du mà thôi.
Vài lời tâm sự từ đáy lòng tôi, tôi xin chúc tất cả các bạn đồng nghiệp sức khỏe và gặt hái được nhiều lợi ích trong buổi hội thảo này.
Cầu chúc các bạn đồng nghiệp cùng quý quyến vui mạnh, an lành và may mắn.
North Carolina, USA, ngày 5 tháng 7 năm 2022
BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG