TÌM HIỂU VỀ CÁI CHẾT

BS Nguyễn Quý Khoáng (chỉnh sửa vào tháng7 năm 2013)

 DÀN BÀI

I-MỞ ĐẦU

II- ĐẠI CƯƠNG

A- ẢO TƯỞNG LỚN (Sogyal Rinpoche)

B- CÁI CHẾT TỚI BẤT NGỜ

C- TẠI SAO PHẢI CHUẨN BỊ CÁI CHẾT ?

III- CHẾT LÀ GÌ ?

A- CHẾT LÂM SÀNG (theo Y Học)

B- CHẾT THẬT SỰ (theo Đạo Phật)

IV- CHẾT RỒI SẼ VỀ ĐÂU ?

A- ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG TU

B- ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ TU HÀNH

V- ĐẠO PHẬT CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI ?

A- QUAN NIÊM SỐNG VÀ CHẾT TRONG ĐẠO PHẬT

B- ĐẠO PHẬT CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI ?

VI- KHOA HỌC NGHIÊN CỨU VỀ CẬN TỬ.

A- KINH NGHIỆM CẬN TỬ (NDE=Near Death Experience)

B- SỰ THAM GIA CỦA KHOA HỌC VÀO CÕI CHẾT

C- NHỮNG PHẢN ĐỀ VỀ KINH NGHIỆM CẬN TỬ

D- LINH HỒN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KHOA HỌC

 E- CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

F- VÀI KINH NGHIỆM TRONG CÕI CHẾT

VII- LỢI ÍCH CỦA VIỆC TÌM HIỂU CÁI CHẾT

VIII -KẾT LUẬN

I- MỞ ĐẦU Nói về cái Chết không hấp dẫn và không dễ dàng chút nào:

-Không hấp dẫn vì ai cũng tránh né vấn đề này, ai cũng “dội” khi nghe chữ “Chết”.

-Không dễ dàng chút nào vì người trình bày đề tài chưa chết ( rồi trở về kể lại) hoặc nếu có chết trong các kiếp trước thì đã phải ăn “cháo lú” nên quên mất rồi.

Chính vì những lý do trên, tôi xin phép được sưu tầm những sách hoặc bài liên quan đến cái Chết từ những nhà tu hành, đặc biệt là từ các vị Lạt ma Tây Tạng cũng như từ các nhà khoa học rồi sắp xếp lại để quý vị đỡ mất thời gian nghiên cứu. Chắc chắn phần trình bày còn sót, rất mong sự góp ý của các bậc cao minh.

 Vậy chúng ta thử đặt và trả lời một số câu hỏi sau đây:

1/ Ai phải chết? Mọi người đều phải chết, không trừ bất kỳ ai.

2/Tại sao phải chết? Vì có sinh thì phải có tử .

3/Khi nào chết? Bất kỳ lúc nào, thường không biết trước được.

4/ Chết thế nào? Nhẹ nhàng hoặc khổ sở, từ từ hoặc đột ngột…

5/ Chết có phải là hết không? Không! như một ngạn ngữ Tây Tạng có ghi:“Mọi người đều chết nhưng chẳng ai chết cả”.Trong lời tựa quyển “Sự sống sau cái chết” (Life after death) của Deepak Chopra, Eckhart Tolle, tác giả quyển “Quyền năng của Hiện tiền”(the Power of Now) có nói rằng : “Đối lập của cái chết là sự sinh chứ không phải là sự sống. Sự sống về bản chất là ý thức, là vĩnh hằng và không có đối lập. Không có cái chết, chỉ có những dạng khác nhau của các hình thái sự sống, biểu hiện ý thức thế này hay thế khác”.

 Tái sinh hay luân hồi đối với người Phật giáo là một sự kiện hiển nhiên. Nếu không có sự tái sinh chi phối và tác động bởi quy luật nhân quả thì nhất định thế giới này phải là một thế giới bất công và phi lý.

 Mật Tông dựa vào các phương pháp quan sát, phân tích và nhất là thiền định để tìm hiểu các diễn biến của cả ba quá trình này : quá trình của cái chết, giai đoạn trung gian và quá trình của sự sinh và hướng dẫn chúng ta vào việc tu tập.

II- ĐẠI CƯƠNG

A- ẢO TƯỞNG LỚN (trích đoạn trong “Tử thư Sống Chết” của Sogyal Rinpoche). Chẳng bao lâu, mục đích duy nhất của ta trên đời hóa ra chỉ là giữ cho mọi thứ ta sở hữu càng được bảo đảm an ninh càng tốt. Khi có biến chuyển gì xảy đến, ta tìm cách đối phó mau lẹ nhất, một giải pháp hữu hiệu tạm thời. Cứ thế, đời ta tiếp tục trôi giạt cho đến khi một cơn bệnh hay một tai nạn nào đó lay ta ra khỏi cơn mê… Ta phí một đời để theo đuổi những chuyện nhỏ nhen bởi vì dường như ta không biết có cái gì hơn thế…

 Mặc dù ta luôn luôn hô hào phải thực tế, thực tế ở phương Tây có nghĩa là thiển cận một cách vô minh và thường ích kỷ. Sự tập trung thiển cận của chúng ta vào đời này và chỉ đời này mà thôi, chính là một ảo tưởng lớn, nguồn gốc của nền duy vật đen tối và phá hoại của thế giới ngày nay. Không ai bàn tới sự chết và đời sau vì người ta có thói tin rằng chuyện ấy chỉ làm đình trệ cái gọi là sự “tiến bộ” của ta trên đời này.

Nhưng nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta quả là sống và tiếp tục sống thì tại sao chúng ta lại quả quyết một cách mù quáng rằng chết là hết chứ ? Ít nhất ta cũng nên thử thám hiểm xem có thể có đời sau hay không đã chứ ! Nếu quả thật chúng ta có óc thực nghiệm như ta từng tuyên bố thì tại sao ta không tự đặt câu hỏi cho mình một cách nghiêm túc: Tương lai thực sự của ta nằm ở đâu?

B- CÁI CHẾT TỚI BẤT NGỜ Nhiều người như cố quên về cái chết, cho cái chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng cũng có người lại làm ra vẻ thản nhiên bất cần . Nhưng khi sự chết đến gần với họ thì sự lo âu khủng khiếp không còn làm họ thản nhiên nữa và khi đó vì không có chuẩn bị trước nên sự ra đi của họ về thế giới bên kia lại chất chứa nhiều đau khổ và sai lầm.

Có người còn cho rằng Chết là hết, là không còn gì nữa. Vì thế họ sống vội vã, cố hưởng được những gì họ có trong cuộc đời hiện tại mà họ đang sống chớ không cần nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau ra sao. Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng về vật chất mà coi nhẹ hay không nghĩ đến phần tâm linh .

Sự chết quả thật là rất quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về cái giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản. Khi biết được vấn đề này một cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình, ta còn nên giúp người khác biết chuẩn bị cho họ được an lành khi cái chết đến với họ.

 

C- TẠI SAO PHẢI CHUẨN BỊ CÁI CHẾT ?

 Tại sao lại phải chuẩn bị lúc cái chết? Lý do:

- Khi chết, ta ra đi chỉ một mình đơn độc.

- Ở ngưỡng cửa Tử Sinh, vì không chuẩn bị trước nên ta sẽ bơ vơ, ngơ ngác, lo sợ, mơ hồ không biết làm gì và tới đâu.

- Rời khỏi thế gian rồi, ta sẽ đi vào những cõi giới khác mà ta không biết xấu tốt ra sao? Tâm thức ta lúc ấy vô cùng bấn loạn, sợ sệt, kinh hãi, hoang mang.    

III-CHẾT LÀ GÌ ?

 A-CHẾT LÂM SÀNG (theo Y Học)

 Khi mũi hết thở, tim ngưng đập, mất ý thức, đồng tử không phản xạ với ánh sáng khi chiếu vào, điện não đồ không còn sóng.

B- CHẾT THẬT SỰ (theo Đạo Phật)

Theo Đạo Phật, chết thật sự là khi thần thức rời bỏ thể xác để vào cõi Trung giới, tức là nơi tạm trú của những vong linh chờ đi tái sinh .

 1/Phật giáo Nguyên thủy : Dòng tiếp nối liên tục của tri thức (continuum of consciousness) trực tiếp chuyển tải nghiệp của một cá thể từ cái chết sang sự sinh (thụ thai) không có sự gián đoạn nào tức không trải qua một thể dạng trung gian nào cả.

2/Phật giáo Đại Thừa : A-lại-da thức là dòng tiếp nối liên tục của một cá thể, vận hành xuyên qua thể dạng trung gian.Thông thường thể dạng trung gian kéo dài 7 ngày, tối đa 49 ngày sau khi chết.

 3/Phật giáo Tây Tạng: Cái Chết theo Tử Thư Tây Tạng là khoảng thời gian kéo dài từ lúc một người tắt thở cho đến khi đương sự theo nghiệp để tái sinh vào một trong 6 đường là: Trời, người, thần, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Hiểu theo nghĩa này, chết thường có các giai đoạn là lâm chung, pháp tính và tái sinh.

 3-1/Lâm chung : kéo dài từ lúc một người thân của ta ngưng thở,cho đến khi thần thức người ấy bỏ lại thể xác vào Trung giới hóa thành vong linh.Theo Tử thư Tây Tạng , nó có thể kéo dài tới 3 ngày rưỡi hay 4 ngày: Khi hơi thở ngưng lại, khí dương từ đỉnh đầu đi xuống và khí âm từ dưới huyệt Đan điền đi lên để hợp thành nguyên khí ở huyệt Gíap Tích,ngang tim. Bấy giờ,người chết thấy một vầng ánh sáng trong , rực rỡ gọi là tịch quang của Pháp thân. Khi ánh sáng này biến đi,người ấy sẽ rơi vào bóng tối cận tử và nhìn thấy tịch quang của Pháp thân lần thứ 2 , trước khi thần thức thoát khỏi thể xác. Nếu người chết không lợi dụng cơ hội này để giác ngộ thì sẽ lạc vào cõi Trung giới, hóa thành vong linh, mang thân Trung ấm. Thân này có khả năng xuyên qua tường và di chuyển đồng bộ với tư tưởng của vong linh.Từ lúc mang thân Trung ấm, vong linh lại bị nghiệp lực chi phối và thường phải trải qua 2 giai đoạn là Trung ấm Pháp tính và Trung ấm Tái sinh .

 Điều luôn luôn cần lưu ý là người sắp qua đời sẽ ra đi một mình nên phút tiễn đưa cần có thân nhân, bè bạn để lúc qua đời khỏi cảm thấy bơ vơ lạc lỏng.Vì thế sự lẻ loi đơn độc là điều bất hạnh nhất của người sắp mất.

 Đừng bao giờ thuyết giảng giáo lý của riêng mình cho người sắp lìa đời, nhất là khi người ấy không cùng tín ngưỡng với mình.

Đừng bịn rịn, khóc lóc, níu kéo người sắp mất. Cần nhớ kỹ rằng khi gần tới phút lâm chung, họ cần phải được an ổn tâm hồn, buông xả tất cả, không còn gì vướng bận để ra đi nhẹ nhàng.

 Sự tan rã của tứ đại : Chết chính là sự hủy hoại của cơ thể.Theo các Kinh sách cổ Đông phương thì thân xác và tâm thức hình thành là do sự liên kết của 5 Thể hay 5 Đại: Đó là Đất, Nước, Gió, Lửa và khoảng Không.

- Đất tạo nên thịt, xương và cả khứu giác để nhận biết các mùi.

- Nước tạo nên máu huyết, chất nhờn, chất lỏng trong cơ thể và luôn cả vị giác để nhận biết cay, chua đắng mặn, ngọt, bùi.

- Gió tạo nên hơi thở, hình thể và cả xúc giác để cảm nhận khi tiếp xúc, sờ mó, va chạm.

- Lửa tạo nên hơi ấm, màu sắc và thị giác để nhìn ngắm, xác định hình thể sắc màu.

- Khoảng Không tạo ra thính giác giúp nghe và phân biệt các âm thanh . Khoảng Không còn tạo ra những xoang bào, những khoảng trống, khoảng hở ở bên trong cơ thể.

Khi chết thì những Thể hay các Đại tan rã rất nhanh và người sắp chết lúc ấy cũng sẽ trải qua những xáo trộn rất nhanh cả về thể xác lẫn tinh thần.

a/ Trước hết thì Thể Đất tan rã nên cơ thể hầu như không còn sức mạnh nữa, khi đó người sắp chết cảm thấy cơ thể nặng nề kỳ lạ và như bị té chúi xuống, không tự mình nhấc người lên được. Da bắt đầu có màu tái xanh, má hóp và trên răng hiện ra những điểm màu đen. Khi đó hai mắt như bị kéo sụp xuống, thấy mờ mờ, miệng bắt đầu nói những lời tối nghĩa, mơ hồ, tinh thần suy sụp.

b/ Tiếp đến Thể Nước bắt đầu tan rã với dấu hiệu nước mắt: nước mũi ,nước miếng chảy ra mà ta không thể cản được. Mắt ,miệng, cổ họng khô và lưỡi như cứng lại và khát nước vô cùng. Hai lỗ mũi như lún vào trong, tay chân co giật, run rẩy, tinh thần mờ mịt như bồng bềnh. Khi đó từ cơ thể tỏa ra mùi khó chịu , đó là mùi tử khí. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ thể con người thật sự là một khối dơ dáy như nhận định của các vị Chân sư quán triệt cái thân ô trọc và thấy rõ “cái cơ thể của con người” là như vậy. Nó tích chứa biết bao cái xấu xa, bất toàn và xú uế nhưng nhờ các cơ phận của cơ thể giữ chúng lại bên trong nên mọi người không thấy, chỉ thỉnh thoảng thấy qua mồ hôi, hơi thở hay phân giải, nước tiểu. Nhưng khi các đại bắt đầu tan rã thì các cơ phận của cơ thể cũng không còn khả năng cầm giữ các thứ đó nữa mà phân rã hay tuôn ra khiến tỏa mùi khó chịu. Những người làm việc ở bệnh viện thường cho biết là họ đã từng cảm nhận những mùi hôi tỏa ra trong phòng người sắp qua đời hay vừa mới qua đời. Ở giai đoạn tan rã của thể Nước thì qua một số người đã có lần chết đi sống lại nhiều khi nhớ và mô tả lúc này họ như bị chìm sâu trong lòng biển lớn hay bị khối nước ào ạt cuốn đi.

c/ Tiếp theo là giai đoạn Thể Lửa tan rã dần, nên cơ thể lạnh, tái, mắt mũi miệng, cổ khô rát. Hơi thở lạnh. Lúc này không thấy rõ sự vật, tâm trí mờ tối không nhận rõ ra bất cứ ai cũng như không nhớ được ai. Họ thấy những đám khói mờ bốc lên.

 d/ Khi Gió bắt đầu tan rã thì bản thân người sắp mất cảm thấy khó thở, nhiều người vào giai đoạn này thường bảo thân nhân mở các cửa ra vì họ ngộp thở. Vì là gió đang tan rã nên thoát ra từ bên trong cơ thể qua cổ họng khiến ta thở hổn hển. Nhưng không có sức hít vào. Ðôi mắt lúc bấy giờ trợn ngược vì các dây cơ trong mắt không còn tạo thế cân bằng nữa. Cả cơ thể trở nên cứng đờ. Tâm thức lúc ấy mờ mịt tối tăm, không còn khả năng nhận biết những gì xảy ra chung quanh. Khi ấy các ảo giác bắt đầu hiện ra. Tùy theo nghiệp thiện, ác gây ra lúc còn sống mà ta sẽ trông thấy những hình tương ứng, ta cũng thấy lại tất cả quãng đời của ta như một cuốn phim chiếu ngược . Lúc này các hình ảnh và sự kiện như cuồng phong, bão tố vì Thể Gió đang đi vào giai đoạn tan rã. Đây là lúc máu rút về tim. Hơi thở cuối cùng hắt ra. Chỉ còn một chút hơi ấm ở tim. Sự sống chấm dứt.

 Tuy nhiên theo các Lạt Ma Tây Tạng, nhất là những ghi chép trong Tử Thư, thì lúc này người đó thật sự vẫn chưa chết vì tâm thức còn có thể nghe, nhận biết những gì xảy ra chung quanh . Do đó mới có lời căn dặn rằng, thân nhân người mới chết không nên gây huyên náo, khóc lóc, kể lể hay làm những điều gì có thể gây đau khổ, buồn phiền, thất vọng cho người vừa mới qua đời. Lúc này là lúc mà thân nhân nên thay phiên nhau tụng kinh, đọc kinh cầu nguyện ít nhất là trong vòng 49 ngày.

Nếu tâm thức họ cứ mơ mơ màng màng, không biết rõ tình trạng của mình thì sẽ rất tai hại vì trong vòng 49 ngày họ lại càng khó phản ứng thích hợp với những gì đang chờ đợi họ bên kia của tử. Do đó các vị Đại sư thường căn dặn các đệ tử khi ở cạnh người sắp qua đời hãy tế nhị cho họ biết rõ là họ sẽ phải từ giã cõi thế gian , đó là điều mà bất cứ ai cũng đều phải trải qua không sớm thì muộn. Biết được chắc chắn như thế thì họ sẽ mạnh dạn và dứt khoát ra đi với ý thức là mình đã thực sự chết rồi.

 3-2/ Pháp tính (giai đoạn Trung ấm Pháp tính) : kéo dài 14 ngày kể từ khi thần thức của người chết vào Trung giới với thân trung ấm. Đây là lúc chư Phật và Thánh Chúng hiện đến tiếp dẫn. Nhưng chỉ những vong linh nào có duyên, có sự tu tập vững vàng mới nhận ra các Ngài và được các Ngài cứu độ :

a/ Từ ngày 1 đến ngày 5, có 5 phương Phật là Đại Nhật, A Súc,Bảo Sinh, A Di Đà và Bất Không lần lượt xuất hiện, phóng quang chiếu soi vong linh.

b/ Trong ngày thứ 6, cả năm vị Phật nói trên đều đồng thời thị hiện phóng quang chiếu soi vong linh .

c/ Trong ngày thứ 7, có 42 thiện thần (thần ôn hòa) từ trái tim và yết hầu của vong linh xuất ra, phóng quang chiếu soi thân người chết.Theo Tử thư Tây Tạng, những vị thần này đều là hóa thân của Trời Đại Hắc (Mahakala).

d/ Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14, có 58 hung thần (thần phẫn nộ) chia thành 7 nhóm từ trong đầu của vong linh tuần tự xuất ra, phóng quang chiếu soi thân người chết. Theo Tử thư Tây Tạng, những vị thần này đều là hóa thân của vua Diêm Vương (Yamaraja).

 Cũng theo Tử thư Tây Tạng, trong lúc chư Phật và Thánh chúng phóng quang chiếu soi, vong linh nào khi sống đã tu tập và thấy Tánh mới có thể hợp nhất vào Trí quang của Chư Phật hay sắc thân của Thánh Chúng và liền thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi .

 Trên đây là quan niệm của Mật Tông,còn theo những người thanh tu-tịnh nghiệp thì “Chư Phật và Thánh Chúng phóng quang không phải chỉ để chiếu soi mà là để tiếp dẫn thần thức của người niệm Phật”.

 3-3/ Tái sinh : bắt đầu từ tuần lễ thứ 3,khi Chư Phật và Thánh Chúng đều đã biến đi. Giai đoạn này có thể dài hay ngắn,tùy theo tâm trạng và nghiệp báo của mỗi vong linh. Có những vong linh không qua giai đoạn này vì họ đã vãng sinh hoặc tái sinh trước đó. Có những vong linh chỉ ghé qua vài giờ. Nhưng cũng có những vong linh phải lưu lại tới 49 ngày hay lâu hơn.Thân trung ấm của con người có hình người bằng đứa bé 8 tuổi lành lặn hoàn toàn nhưng nếu người ấy bị đọa vào loài thú thì thân ấy sẽ chuyển thành thân thú trước khi tái sinh .

IV-CHẾT RỒI SẼ VỀ ĐÂU ?

  1. ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG TU

 Khi chết, người đó phải theo nghiệp báo mà tái sinh vào một trong lục đạo. Người ta chia nghiệp ra 4 loại :

1/ Cực trọng nghiệp gồm 5 nghiệp rất nặng là giết cha, giết mẹ, giết Alahán, chia rẽ Chư tăng và phá hủy tượng Phật. Những nghiệp này có thể thay đổi số mạng người đó khiến họ chết non hay bị đọa vào địa ngục Vô gián (nghĩa là không bao giờ cián đoạn, không bao giờ ngưng)

 2/ Cận tử nghiệp tuỳ vào Thân-khẩu-ý của một người lúc hấp hối. Nếu thân-khẩu-ý trong sạch thì người đó tái sinh vào 3 đường thiện còn ngược lại thì người đó sẽ sinh vào 3 đường ác.

3/ Tập quán nghiệp gồm những thói quen và nhất là những đam mê của chúng ta ở trong đời này: Trường hợp người chuyển thân làm chó để giữ gia tài mà ông ta đã chôn dưới gầm giường nhưng chưa kịp nói cho vợ và con trước khi chết .

4/ Tích lũy nghiệp là những nghiệp đã tạo từ trước tới nay mà chưa hề sám hối nên vẫn còn tồn trữ trong Tạng thức dưới dạng chủng tử.

Những người không có tâm nguyện hay một thói quen đặc biệt nào thì sẽ theo tích lũy nghiệp để tái sinh và quy luật chi phối việc tái sinh trong trường hợp này rất phức tạp. Nhưng chúng ta có thể nói một cách tổng quát và ngắn gọn rằng:

a/ Nếu là người siêng làm việc thiện thì sẽ thăng lên cõi trời .

b/ Nếu là người nhẫn nại, hiền lương thì sẽ trở lại nhân gian .

c/ Nếu là người nóng giận ưa gây gổ thì sẽ lạc vào cõi Thần Atula .

d/ Nếu là người si mê,trộm cắp,dâm dục thì sẽ bị đọa làm súc sinh .

e/ Nếu là người tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ sẽ biến thành ngạ quỷ .

f/ Nếu là người ganh tị, độc ác, lừa đảo thì sẽ bị đọa vào địa ngục .

  1. ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ TU HÀNH

1/ Người tu mà chưa đắc Đạo thì vẫn phải theo nghiệp thọ sinh như người phàm phu .Chỉ khác là nghiệp của họ thường là thiện nên phần lớn, họ đều được tái sinh vào cõi Trời hay cõi người .

2/ Còn đối với người tu hành đã đắc Đạo, có 2 trường hợp xẩy ra:

a/ Những người tu hành đã đắc Đạo nhưng phát nguyện trở lại cõi Ta Bà để độ sinh thì sẽ theo nguyện lực tái sinh như trường hợp của các vị Lạt ma Tây Tạng.

b/ Những người tu hành đã đắc Đạo nhưng không muốn trở lại cõi Ta Bà thì sẽ được giải thoát theo pháp môn mình chọn.Có rất nhiều pháp môn nhưng tựu chung là 3 pháp môn chính:Thiền,Tịnh và Mật .

          -Người tu Thiền sẽ nhập vào cõi Niết Bàn .

          -Người tu Tịnh sẽ sinh vào cõi Cực Lạc .

          -Người tu Mật Tông, tụng chú sẽ nhập vào tịch quang của Pháp Thân vào lúc lâm chung . Khi người đó tắt thở và trước lúc thần thức rời bỏ xác, tịch quang này chỉ hiện ra có 2 lần, mỗi lần vài phút nên khó mà nhập được vào .

Nếu không được thì phải chuyển hướng, hợp nhất với Bổn tôn hay một trong các vị Thánh hiện đến tiếp dẫn ở giai đoạn Trung ấm Pháp Tính .

Còn như sợ tự mình không làm được việc đó thì phải nhờ một vị Thầy có thiên nhãn theo dõi và nhắc nhở rằng mình hiện đang đối diện với vị thánh nào và phải xử trí ra sao? 

V- ĐẠO PHẬT CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI ?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải biết rõ quan niệm sống và chết của Phật giáo .

            A-QUAN NIÊM SỐNG VÀ CHẾT TRONG ĐẠO PHẬT

            Tất cả mọi hiện tượng đều tương liên với nhau và biến đổi, không có một sự gián đoạn hay ngưng nghỉ nào, không có gì bớt đi cũng không có gì thêm vào, chỉ có nguyên nhân này sinh ra hậu quả kia, rồi hậu quả kia lại tạo ra nguyên nhân khác. Đó là cái nhìn của Phật giáo đối với tất cả các hiện tượng trong vũ trụ cũng như đối với sự sống và cái chết của từng cá thể.

Đạo Phật nhấn mạnh luật nhân quả có thể được phát biểu đại khái như sau: “Tất cả mọi sự, mọi vật đều có nguyên nhân của nó”.

Tuy nhiên, một mình nhân không đủ để gây ra quả mà cần phải có nhiều duyên hỗ trợ .Trợ duyên giúp việc gây quả gọi là thuận duyên, ngược lại chướng duyên ngăn việc gây quả gọi là nghịch duyên. Nói một cách khác: Có quả tất có nhân nhưng có nhân chưa chắc sẽ có quả ! Áp dụng luật nhân quả vào cuộc sống, Đạo Phật đưa ra thuyết Nghiệp báo nghĩa là “ Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu” hay là “ở hiền thì gặp lành, làm ác thì gặp ác”. Nghiệp không phải chỉ là việc làm không thôi mà nó bao gồm tất cả tư tưởng, lời nói, hành động có ý thức của chúng ta.

Những nghiệp này vốn là nhân được lưu trữ ở trong Tạng thức dưới dạng chủng tử hay hạt giống. Chỉ cần có đủ cơ duyên thì những nhân này sẽ thành quả. Quả của nghiệp gọi là nghiệp quả hay nghiệp báo. Nghiệp báo có 2 loại:

1/ Chính báo là thân tâm của ta .

2/ Y báo là hoàn cảnh sống của ta .

Quá trình tạo nghiệp và chịu quả báo nói trên thông qua 3 thời là quá khứ, hiện tại, vị lại. Do đó, chết không phải là hết. Khi chết, chỉ có hình hài tan rã, còn Tạng thức (A-lại-da thức) sẽ theo thần thức tái sinh vào một trong 6 cõi luân hồi tùy theo nghiệp báo .

Khác với thuyết Định mệnh theo đó, con người hoàn toàn bất lực trước sự an bài của Tạo Hóa, thuyết nghiệp báo tôn trọng quyền tự do của con người trong việc kiến tạo tương lai của mình. Thực vậy,tuy làm ác nhưng nếu cá nhân đó biết ăn năn, sám hối, làm các việc thiện, phóng sinh, bố thí nghĩa là tạo nghịch duyên ngăn không cho ác nhân kết thành quả khổ hoặc ít ra cũng làm giảm nhẹ nghiệp quả.Nếu người đó mới qua đời, chúng ta có thể thỉnh các tăng ni hoặc ban hộ niệm tụng kinh, niệm phật, trì chú thì người đã quá vãng có thể chuyển hóa phần nào được nghiệp chướng. Đây là quan niệm rất độc đáo của Phật giáo về nhân sinh.

B- ĐẠO PHẬT CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI ?

 Theo Đạo Phật, chết không phải là hết như đã trình bày ở phần trên mà chỉ là cơ hội để giải thoát (theo Tử thư Tây Tạng) hoặc làm lại cuộc đời trong một kiếp khác nên Đạo Phật mới khuyên chúng ta sám hối lỗi lầm và tịnh tu 3 nghiệp .

Ba nghiệp là nghiệp của Thân, Khẩu,Ý mà quan trọng nhất là Ý vì từ nghiệp của Ý mới kéo theo nghiệp của Khẩu và nghiệp của Thân. Ngoài ra, nghiệp quá khứ không quan trọng bằng nghiệp hiện tại vì nghiệp quá khứ đã xẩy ra rồi, ta không sửa được mà chỉ có thể sám hối, còn nghiệp hiện tại thì ta có thể chủ động được .

Do đó, người sắp lìa đời cần phải đặc biệt lưu ý đến những gì mình nghĩ, nhớ, ao ước, nói và làm . Cận tử nghiệp này sẽ ưu tiên quyết định nơi mà người đó sẽ tái sinh .

Theo Tử thư Tây Tạng, việc thần thức rời bỏ thể xác được khởi sự vào lúc người đó rơi vào bóng tối cận tử và có cảm giác như đang bay rất nhanh trong một hang tối với tiếng gió rít bên tai. Khi gió ngưng bặt và bóng tối tan đi thì thần thức, giống như con rắn vừa lột xác, có thể quan sát cái thân mà nó bỏ lại, để ra đi. Thần thức lúc đó bay lượn quanh xác mình,rất tỉnh táo và biết hết mọi chuyện xẩy ra mặc dù không còn ngũ quan nữa.Chính lúc này, thân nhân đừng nên than khóc, nhất là để nước mắt rơi trên xác khiến thần thức càng quyến luyến đau khổ hơn.Thần thức thấy được mọi người, nghe rõ ràng họ nói nhưng thân nhân thì không thấy hoặc nghe họ được. Đây là thời gian rất tốt để trợ niệm và thường nằm trong khoảng 8 giờ đầu kể từ khi người đó tắt thở.Người Tây Tạng thường trợ niệm trong 3 ngày rưỡi hay 4 ngày.Trong điều kiện ở Việt Nam,chúng ta nên làm như người Tây Tạng nhưng còn ở ngoại quốc, xác chết phải để trong phòng lạnh của nhà quàn nên chúng ta cố gắng trợ niệm trong 8 giờ trước rồi 3-4 ngày sau. Khi làm lễ phát tang và cầu siêu, chúng ta mời quý Thầy, bà con và bạn bè tới trợ niệm và cử hành tang lễ. Khi an táng xong xuôi, chúng ta liền rước vong linh lên chùa để cầu siêu trong 7 tuần liền, mỗi tuần một lần .

Trợ niệm và Cầu siêu rất khác nhau:

- Trợ niệm gồm 2 việc chính: Một là nhắc nhở người sắp chết, đang chết hay mới chết phải lo niệm Phật cầu sinh Cực Lạc và hai là niệm Phật hiệu để hối họ niệm theo .

- Cầu siêu là chúng ta có thể hoặc dùng tên mình hoặc thay vong linh, cúng dường, sám hối, tụng kinh, niệm Phật hay trì chú rồi đem phúc đức tạo được hồi hướng cầu cho vong linh vãng sinh Cực Lạc, hóa sinh lên Trời hay tái sinh làm người .

VI- KHOA HỌC NGHIÊN CỨU VỀ CẬN TỬ

 A-KINH NGHIỆM CẬN TỬ (NDE=Near Death Experience)

 Y tá Shirley Learthart kể lại rằng: Trong suốt 10 năm phục vụ trong các bệnh viện của Anh quốc, bà đã từng tiếp xúc, nói chuyện và nghe rất nhiều câu chuyện từ những bệnh nhân khác nhau bị rơi vào cận tử. Họ không quen biết nhau, song tất cả những câu chuyện mà họ kể về tình trạng họ từng trải qua thì đều có một nội dung khá tương tự nhau. Trong thời gian trải qua cận tử, họ hầu như đều bị rơi vào một đường hầm tối đen với duy nhất một nguồn ánh sáng chói chang ở phía cuối đường hầm. Họ đang tiến về phía ánh sáng ấy, thì bỗng nhiên, như bị kéo trở lại và sau đó thấy mình tỉnh lại.

Qua các trường hợp thực tế đã xảy ra, hiện tượng cận tử ít nhiều đã được chứng minh về sự tồn tại của nó. Đó là sự tồn tại của ranh giới giữa sự sống và cái chết. Và theo như nhận xét của nhiều nhà khoa học, điều này cũng minh chứng cho giả thuyết: Chết không có nghĩa là “chấm dứt” tất cả, con người chỉ chuyển đổi sang một dạng trạng thái khác, một trạng thái hữu thức nhưng vô hình mà khoa học vẫn đang tiếp tục đi tìm lời giải đáp.

             B-SỰ THAM GIA CỦA KHOA HỌC VÀO CÕI CHẾT

 Năm 1928, GS GEORGE RITCHIE, BS Tâm thần học ĐHYK VIRGINIA , xuất bản quyển RETURN FROM TO MORROW (Trở về từ tương lai) kể về kinh nghiệm cận tử của chính ông lúc còn trẻ khi làm lính trong quân đội Hoa Kỳ: 450.000 quyển sách này đã được bán trong một thời gian ngắn.

 Sau đó, quyển “Life after life” (Đời nối đời) của bác sĩ Raymond Moody được xuất bản vào năm 1975 đã trở thành một best seller trong năm, gây dư luận xôn xao trong giới độc giả. Ngay trang mở đầu, tác giả đã trân trọng đề tặng bác sĩ Ritchie vì kinh nghiệm cận tử của ông này đã gợi ý cho tác giả dấn thân vào việc nghiên cứu cái chết. Raymond Moody đỗ tiến sĩ Triết học, sau ba năm dạy Triết tại Đại học North Carolina, ông nghỉ dạy, đi học Y khoa và trở thành một bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Ông muốn trở thành giáo sư dạy về Triết lý Y học tại Đại học Y khoa. Trong thời gian đi dạy hoặc đi học, ông thường được nghe các sinh viên, bạn bè hoặc những người khác kể lại về những kinh nghiệm của họ trong cảnh chết đi sống lại của chính họ hoặc của người thân. Nhận thấy đó là một kinh nghiệm lý thú nên phổ biến để nhiều người cùng chia sẽ, ông bắt tay vào việc thu thập tài liệu, phỏng vấn những người đã từng trải qua trạng thái đó.“Life after life” là tổng kết tất cả những gì R.Moody đã thu thập được trong bước đầu, sau 5 năm sưu tập với 150 trường hợp điển hình. Tổng kết kinh nghiệm của những người đã từng đối diện với Thần Chết, Moody đã vẽ nên một bức tranh điển hình về cái chết (kinh nghiệm cận tử) như sau:

"Một người đang chết, và tới lúc suy kiệt cùng cực của thể xác, anh ta nghe bác sĩ tuyên bố rằng mình đã chết. Anh nghe vang lên một âm thanh khó chịu, như thể tiếng chuông rung lớn hay tiếng huyên náo, cùng lúc đó, cảm thấy thân mình như được phóng đi rất nhanh trong một đường hầm tối om om. Sau đó, bỗng nhiên anh ta nhận thấy đang ở ngoài thể xác của mình, tuy vẫn ở trong khung cảnh thực của lúc ấy, và như một khán giả, anh thấy cái xác của mình nằm đó, cách một quãng ngắn. Trong một tâm trạng xúc động cùng cực, anh ta quan sát nỗ lực của các bác sĩ và điều dưỡng nhằm hồi sinh cái xác kia. Sau một lúc, anh ta trấn tĩnh lại và trở nên quen thuộc với trạng huống kỳ cục này. Anh nhận ra rằng mình vẫn còn một cái thân , nhưng là một cái thân với tính chất và năng lực rất khác với cái thân xác vật chất mà anh đã bỏ lại. Rồi những việc khác bắt đầu xảy ra. Có những kẻ đến gặp và giúp đỡ anh. Anh thoáng thấy vong linh của thân nhân và bạn bè đã chết và một vị Thánh như bằng ánh sáng, đầy vẻ thương yêu ân cần mà anh chưa hề gặp, xuất hiện trước mắt.Vị này hỏi anh ta một câu để anh tự đánh giá cuộc đời mình và giúp anh trong chớp mắt thấy lại toàn cảnh cuộc đời với những biến cố quan trọng.Vào lúc đó, anh ta nhận ra như đang tiến tới một thứ ranh giới nào đó, phân cách cuộc đời trần thế và cuộc sống kế tiếp.Bấy giờ, anh ta thấy rằng mình phải trở về trần thế vì chưa đến lúc phải chết. Chính vào lúc đó, anh lại tỏ ra phân vân do dự, vì anh đã có kinh nghiệm về kiếp sau như thế nào rồi, không muốn trở về nữa. Anh cảm thấy tràn trề sung mãn trong niềm an lạc thương yêu. Dầu muốn vậy, nhưng bằng một cách nào đó, anh ta lại nhập vào cái xác kia và sống lại.Về sau, anh ta cũng có thể đã kể câu chuyện đó cho người khác nghe, nhưng đã gặp trở ngại. Thứ nhất, anh ta không thể tìm được thứ ngôn ngữ thích hợp để diễn tả lại những gì đã xảy ra nơi cái cõi không phải là trần thế kia. Thứ hai, anh ta đã bị người nghe nhạo báng, nên thôi, không nói cho ai nghe nữa.Tuy vậy, kinh nghiệm đó đã tác động sâu xa vào cuộc đời anh, đặc biệt là đối với cái nhìn của anh về cái chết và các mối quan hệ trong cuộc sống".

 

Cuốn “Life after life” đã gây ngạc nhiên thích thú cho một số lớn người đọc (3 triệu bản đã được bán ra từ 1975 đến 1981) vì những tiết lộ thật là mới mẻ về cái chết.Người ta không ngờ rằng cái hiện tượng rất quen thuộc ấy lại chứa đầy những điều lạ lùng bí ẩn như thế.Tuy nhiên, những tiết lộ đó chưa có tính thuyết phục cao, nhất là đối với giới khoa học. Người ta không tin cũng phải, vì giữa thời đại mà các ngành khoa học hàng đầu như điện tử, điện toán, nguyên tử, sinh học... tiến bộ như vũ bão, đem lại bao kết quả thần kỳ trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người trên mặt địa cầu này, thế mà bác sĩ Moody lại đi giới thiệu về một bức tranh vẽ cái chết bằng những đường nét đầy màu sắc hoang tưởng! Mặt khác, như bác sĩ Moody đã viết trong chương Vấn đáp, người ta có thể đặt câu hỏi rằng nếu kinh nghiệm cận tử là một hiện tượng phổ biến,thế tại sao từ lâu không ai nghe nói đến?

 Michael Sabom đã viết cuốn “Recollections of Death, a Medical Investigation” (Tái sưu tập về cái chết, một cuộc điều tra Y học, 1982) . Những gì ông công bố trong cuốn sách này, không những không có gì mâu thuẩn với “Life after life” của Moody mà lại càng làm sáng tỏ thêm, củng cố thêm những sự thực đã được tiết lộ về cái chết. Ông viết: "Tôi phải công nhận rằng lần đầu tiên đọc Life after life, tôi có cảm tưởng những kinh nghiệm này (NDE) được nói ra, hoặc là do những người đó muốn lợi dụng tác giả, hoặc chính bác sĩ Moody tô điểm thêm để làm thành một cuốn sách ăn khách. Sau 5 năm, với 116 cuộc phỏng vấn, tôi nhận thức rằng mối hoài nghi ban đầu của tôi là sai lầm".

Khi nhận thức rằng kinh nghiệm cận tử là một hiện tượng phổ biến, người ta mới thử quay về quá khứ, lục tìm trong kho sách cổ kim Đông Tây xem vấn đề đó đã được đề cập chưa và thấy rằng người xưa đã nói tới rồi, chỉ có điều vì cơ duyên chưa đến nên đã bị người đời quên lãng mà thôi.

Trong số những tác phẩm thuộc về Đạo học, người ta nhận ra sự hiện hữu của hai cổ thư của Ai Cập và Tây Tạng với giá trị lớn lao của chúng mà kinh nghiệm cận tử đã được kể lại rất nhiều. Bên cạnh chuyện kể của những người bình thường, còn có cả những nhân vật tiếng tăm, thế mà ngưòi ta đã không mảy may chú ý. Chẳng hạn kinh nghiệm về cái chết của Đô dốc Francis Beaufort lúc ông còn bé, bị rơi ở hải cảng Portsmouth (Anh quốc) năm 1795; của Đô đốc Richard Byrd khi ông thám hiểm Nam-cực; của văn hào Ernest Hemingway khi ông bị pháo kích trọng thương vào ngày 18-7-1918 tại mặt trận Ý, lúc tham gia Thế chiến thứ 1 (1914-1918) v…v.

          Trong lãnh vực nghiên cứu kinh nghiệm cận tử, Moody và Sabom không phải là hai khuôn mặt độc quyền và đi đầu. Cả hai được nhắc nhở nhiều vì sớm có công trình chào đời và công trình của họ tạo được sự chú ý lớn lao của dư luận. Người ta có thể kể những khuôn mặt lớn khác trong lãnh vực này, như tiến sĩ Kenneth Ring, bác sĩ Elizabeth Kubler-Ross (người đề tựa cho sách của Moody), Osis và Haraldsson v…v. Hiện nay, việc nghiên cứu về cái chết không còn là việc làm riêng lẻ của từng cá nhân nữa. Nó đã chính thức đi vào các Đại học lớn, như một chuyên ngành mới: Connecticut, Michigan, Iowa, Virginia, Western New Mexico, Berkeley, Seattle Pacific, Denver...đều là những Đại học có chuyên ban nghiên cứu NDE. Hiệp Hội Nghiên Cứu Cận Tử Quốc Tế (The International Association for Near Death Studies) đã được thành lập, đặt trụ sở tại Đại học Connecticut, do tiến sĩ Kenneth Ring làm chủ tịch, qui tụ những người cùng quan tâm vấn đề này trên khắp thế giới.

 C- NHỮNG PHẢN ĐỀ VỀ KINH NGHIỆM CẬN TỬ

          Song song với những cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học, năm 1981 Viện Thống kê Gallup đã mở một cuộc thăm dò về kinh nghiệm cận tử trong dân chúng Mỹ. Kết quả cho thấy có đến 2 triệu người Mỹ đã trải qua kinh nghiệm này, trong đó có 1,2 triệu người thấy được hiện tượng ánh sáng và 1,7 triệu người thấy lại toàn bộ cuộc đời mình. Cũng như vấn đề luân hồi, việc khám phá ra kinh nghiệm về cái chết không phải được giới khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau (Y học, tâm lý, tâm thần, xã hội...) dễ dàng chấp nhận.

 C1/ Không thiếu gì người đã mỉm cười cho rằng cái được gọi là NDE chẳng qua chỉ là những ảo giác như lúc chiêm bao mộng mị mà thôi, chả có gì lạ mà phải quan trọng hoá nó như thế. Tuy nhiên những lý luận sau đây phản bác điều trên:

          Trước hết, cảnh trong mộng thường thấy không rõ ràng, không để lại ấn tượng sâu xa. Trái lại, những điều nghe thấy trong NDE thường rõ nét hơn, in sâu vào trí nhớ, ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến tinh thần và tình cảm của người trong cuộc. Những người đã trải qua kinh nghiệm cận tử nói rằng với những gì đã trải qua, họ đã biết thế nào là chết, chết rồi sẽ đi về đâu, do đó, họ không còn sợ hãi cái chết nữa. Họ đã hiểu cái lẽ mà người Việt chúng ta gọi là "sống gởi, thác về" (sanh ký, tử qui), từ đó họ có một thái độ bình thản đón nhận cái chết sẽ lại đến.Thậm chí có người còn mong cho sớm tới ngày đó để được về nơi cõi an lạc mà họ đã từng đặt chân đến nhưng không được phép ở lại.

          Mặt khác, những gì có tính cách thiêng liêng được thấy trong NDE thường tác động sâu xa đến người được sống lại, làm cho họ phải suy nghĩ nhiều về ý nghĩa cuộc đời, về những giá trị tinh thần, về mối quan hệ với những người chung quanh.Từ đó, họ có một thay đổi lớn, gây ngạc nhiên cho những người quen biết. Có người từ chỗ trước kia có một cuộc sống đầy bon chen giành giật, chạy đua theo vật chất, thì nay lại chọn một nếp sống trầm lặng hơn. Có người từ chỗ vô tín ngưỡng đã tìm thấy đức tin ở tôn giáo. Có người vốn sống ich kỷ, thờ ơ với những hoạt động xã hội thì nay lại hiến dâng cả quãng đời còn lại cho hành động phục vụ tha nhân kém may mắn. Chiêm bao mộng mị làm gì có khả năng tác động thay đổi sâu xa như thế?

          Lại nữa, mộng thường thiên sai vạn biệt, không ai mộng giống ai, không có một mẫu số chung về mộng. Trái lại, người ta đã tìm thấy những nét chung nhất về kinh nghiệm cái chết. Những nét chung nhất đó là gì? Đó là cái cảm giác bay xuyên qua một đường hầm tối đen, nghe những âm thanh khó chịu, thấy được ánh sáng với những màu sắc khác nhau (trắng, vàng, đỏ, xanh...), cảm nhận được sự tách rời của linh hồn ra khỏi thể xác v...v. Chính căn cứ vào cái mẫu số chung đó, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, chủng tộc, tôn giáo, có học hay vô học, có địa vị trong xã hội hay chỉ là hạng tầm thường mà bác sĩ Moody đã vẽ nên bức tranh chết điển hình, như đã giới thiệu ở trên.

          Những người đã trải qua NDE hầu hết đều xác nhận rằng trong trạng thái hồn lìa khỏi xác đó, họ rất tỉnh táo, sáng suốt, có sự nghe thấy bén nhạy hơn, đi lại dễ dàng theo ý muốn, không bị vật chất và không gian ngăn ngại.

Họ thấy, nghe, tất cả những gì đang diễn ra chung quanh của thế giới người sống nhưng không thể nào tiếp xúc được với thế giới đó, không thể nào làm cho người sống hiểu về sự có mặt của họ ở bên cạnh; họ cũng không tác động gì được vào vật chất (đụng chạm người sống, di chuyển đồ đạc...). Chính những trở ngại khác thường này có khi làm cho người chết cảm thấy cô đơn, buồn nản hoặc giận dữ vì tình trạng gần như bị cô lập trong một thế giới khác. Họ nhận rõ họ có hai cái thân: một cái thân xác nằm kia, bất động, vô tri, như một "cái bao rỗng" (empty bag) và một cái tôi khác đang chứng kiến những nỗ lực hồi sinh của bác sĩ và y tá đang diễn ra trên thân xác họ mà không ghi nhận một cảm giác nào, mặc dù thấy rõ ràng là đang được xoa bóp lồng ngực, họăc được mổ xẻ, được chích thuốc, được truyền máu v…v. Có người, sau khi sống lại, đã kể lại những lời nói và những việc làm của y tá và bác sĩ trong khi cấp cứu, làm số người này lấy làm lạ rằng lúc đó họ đã ở vào trạng thái chết, làm sao lại biết được?

          Vào lúc tiến đến ranh giới của sự ra đi vĩnh viễn vào cõi an bình bên kia hay trở về trần thế nhiều hệ lụy này, nhiều người đoan quyết rằng họ đã tỉnh táo quyết định quay về vì còn nhiều việc chưa giải quyết xong hoặc cuộc sống của người thân đang cần đến họ. Đó là trường hợp những bà mẹ có con còn thơ dại, những người chồng không nỡ bỏ vợ dại con thơ, những người đang dở dang sự nghiệp v…v. Đó là những quyết định của lý trí, hoàn toàn dựa trên dữ kiện thực tế, rất sáng suốt, điều mà mộng không thể có.

 C2/ Cũng không thiếu những nhà Y học cho rằng những gì thấy trong NDE chẳng qua chỉ là sản phẩm của những ảo giác do thuốc men điều trị. Điều này mới nghe qua, không phải là không có lý. Những người chết đi sống lại và có kinh nghiệm cận tử là những kẻ đã trăm chết một sống. Họ là thân chủ của những chứng ngặt nghèo như trụy tim mạch, xuất huyết bao tử, xuất huyết ruột, xuất huyết thận, thương tích trầm trọng... Trong những trường hợp đó, để giúp bệnh nhân bớt bị những cơn đau đớn hành hạ, các loại thuốc tác động đến hệ thần kinh được sử dụng, chẳng hạn morphine, do đó có thể gây ảo giác. Các nhà nghiên cứu NDE, đa số là giới Y khoa, dư biết điều ấy. Bằng phương pháp thống kê phân tích, bằng tiến hành thí nghiệm đối chứng, họ đã rút được kết luận rằng những ảo giác do thuốc men gây ra không giống với những gì thấy được trong kinh nghiệm cận tử. Các nhà sinh lý học lý luận rằng vào lúc con người hấp hối, các cơ quan đều đi đến chỗ tê liệt, máu không còn cung cấp đủ oxygen cho não nữa, mặt khác, lượng thán khí (CO2) gia tăng; thế nên những gì gọi là kinh nghiệm cận tử chẳng qua chỉ là những ảo giác phát sinh từ những phản ứng hoá học cuối cùng đang xảy ra trong não trong tình trạng suy kiệt. Bác sĩ Sabom đã mở cuộc thí nghiệm đối chứng bằng cách giảm lượng oxygen cung cấp cho não trên những người tình nguyện và ghi nhận có ảo giác phát sinh, nhưng những ảo giác này không dính gì đến NDE.

C3/ Không thiếu gì những nhà tâm lý học hoặc xã hội học đầy hoài nghi cho rằng những gì thấy trong kinh nghiệm cận tử chỉ là sự phóng chiếu kinh nghiệm mà bản thân người đó đã tích lũy trong cuộc sống. Nói một cách khác, những gì mà người chết sống lại kể về thế giới bên kia chỉ là sự bịa đặt do căn cứ vào kinh nghiệm có sẵn. Bác sĩ Sabom cũng như những nhà nghiên cứu khác không phải là không biết đến điều đó.Riêng ông, đã thực hiện cả những cuộc phỏng vấn đối chứng. Sabom cho biết rằng với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm phỏng vấn, có thể tìm ra dễ dàng những bịa đặt của những người chưa thực sự trải qua NDE, vì có những sơ hở rất lộ liễu.Để trả lời cho câu hỏi liệu nhân chứng có bịa đặt để dối gạt không ,bác sĩ Moody đã cho biết bằng kinh nghiệm chuyên môn, bằng đánh giá thái độ và những biểu lộ xúc cảm của nhân chứng trong lúc phỏng vấn, ông có thể biết được đâu là sự thực. Vả chăng, không lẽ mỗi người mỗi nơi, không quen biết nhau, lại đồng tâm nói dối giống nhau.

 D- LINH HỒN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KHOA HỌC

 Theo GS Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.

Ông Pim van Lommel, chuyên gia về trải nghiệm cận tử tại Bệnh viện Rijnstate (Hà Lan) đồng tình về vấn đề này. Ông cho rằng, khi ở trạng thái cận tử, "người bệnh không những có ý thức, mà ý thức của họ còn mở rộng hơn bao giờ hết. Họ có thể suy nghĩ hết sức rõ ràng, hồi tưởng chi tiết về thời thơ ấu và cảm thấy sự liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh. Trong khi não họ hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động".Theo GS Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh quốc): "Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não".

Có lẽ, ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi thiền định, cho rằng lúc xuất hồn, phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại của ý thức bên ngoài cơ thể.

Ý tưởng của GS Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo GS Hameroff: "Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại". DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác.Ian Stevenson, một trong những chuyên gia tâm thần học hàng đầu nước Mỹ, người sáng lập DOPS bắt đầu thu thập những câu chuyện về tiền kiếp từ năm 1960. Trong số các tài liệu ông ghi nhận được, có nhiều trường hợp một đứa trẻ được sinh ra có bớt ở đúng vị trí vết thương mà các em đã bị trong kiếp trước. Một số luôn bị ám ảnh sợ những sự vật, hiện tượng đã gây ra cái chết trong tiền kiếp. Stevenson và các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ khẳng định rằng hiện tượng đầu thai thực sự xảy ra. Họ chỉ cố gắng thu thập các bằng chứng về nó.Trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới.Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể khẳng định rằng không có linh hồn.

E-CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

 Người có ý kiến phản bác “ luân hồi - tái sinh” cho rằng chết là hết, như tắt một cái ti vi vậy. Nếu ví dụ như thế, thì chính anh ta đã thừa nhận có Tái sinh, khi bật ti vi lần sau và thấy rằng, nó vẫn là cái ti vi như trước. Bởi vì, những “ký ức” mà lần đầu tiên, khi đưa ti vi vào sử dụng, ta đã phải mất công sức, dò tìm sóng thu cho khoảng 30 kênh, để đưa vào lưu giữ trong bộ nhớ của nó, và thông tin ấy sẽ không bị xóa hết khi tắt máy. Nó đơn giản chỉ vậy, vì nó là vật vô sinh. Nhưng vật vô sinh cũng phải có Nội năng của nó. Nội năng đó, nó lấy từ quá trình ghi thông tin vào bộ nhớ, một quá trình có tiêu thụ năng lượng.

Con người là một sinh thể, có nội năng của thể xác và cả năng lượng tinh thần. Cái chết của thể xác không kéo theo cái “chết” của năng lượng. Bởi vì năng lượng là bảo toàn: Năng lượng không tự sinh ra và cũng không tự biến mất, mà không để lại dấu vết gì. Vậy, sau cái chết của thể xác, nó đi đâu? Nó trả lại cho Vũ trụ, nghĩa là cho không gian mà nó đã tồn tại. Nội năng thuộc về quá trình Vật lý, nó sẽ chuyển hóa thành nhiệt và góp phần làm tăng Entropy của Vũ trụ. Còn năng lượng tinh thần là sản phẩm của quá trình tương tác Thông tin: Con người - Xã hội - Tự nhiên - Vũ trụ, là kiến trúc sư của Thế giới ý thức -Tư duy, với cả một quá trình tích tụ được lưu giữ, một chuỗi dài những ký ức gắn liền với lịch sử mang bản sắc cuộc sống cá nhân, như một sóng đã được mã hóa, tồn tại như một chức năng vĩnh viễn, không cần giá đỡ vật chất, được giải phóng và lan truyền trong không gian và thời gian. Đó là những gì còn tồn tại sau cái chết thể xác, như kết thúc một chu kỳ Vật chất, đúng theo qui luật của Tự nhiên.

 Với những điều kiện cần và đủ, từ các căn cứ Khoa học, người ta có thể kết luận rằng: Hiện tượng luân hồi ở con người là có thể hiểu được. Trước hết, vì nó là một hiện thực đang hiện hữu và đã hiện hữu rất lâu đời tại nhiều nơi trên Thế giới, và tốn không ít giấy mực ghi chép cũng như cuốn hút tâm trí của nhân loại. Thứ nữa, là nó vận động trong một tổng thể thống nhất phụ thuộc lẫn nhau giữa Thế giới hữu hình và vô hình, giữa vận động Vật chất và Thông tin.

Quan trọng, là hiểu rằng, đây là cuộc Luân hồi thông tin Ký ức như một sóng không mang theo Vật chât, chứ không phải Vật chất luân hồi. Vậy thì khái niệm Tái sinh, theo quan điểm Khoa học sẽ khác với quan niệm dân gian. Dân gian coi Luân hồi là sự Tái sinh trở lại, nối tiếp Cái sống của ai đó ở kiếp trước, nghĩa là tiếp tục cấu trúc gen, cấu trúc ADN, v.v… của người đó. Với những bằng chứng Khoa học có được hiện nay, thì đó là điều không thể xảy ra. Cũng giống như câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vậy, về mặt ký ức gắn với lịch sử trải nghiệm, thì rõ ràng đây là con người và cuộc đời của Trương Ba. Nhưng thân xác này, đâu có phải của Trương Ba? Đối với dân gian, cái phần vật chất (Thể xác) ấy không quan trọng và không đáng bận tâm: “Nhân cách Trương Ba còn đó, quan trọng hơn”. Chính vì thế, người ta coi Trương Ba đã “tái sinh”: Hồn Trương Ba đã nhập vào xác anh hàng thịt. Gọi là Hồn, Linh hồn hay Thần thức , tên gọi không quan trọng, mà quan trọng là bản chất hiện thực của nó là cái gì?

Cuối cùng, cũng đừng huyền bí hóa Luân hồi một cách thái quá,vì đó cũng chỉ là quy luật tự nhiên, như các quy luật khác, nhằm bảo toàn Tâm linh, cái quí giá nhất để con người hướng tới cái Thiện.Do đó GS Vật lý Trịnh Xuân Thuận đã phát biểu:

“Vì vậy, việc chúng ta nghiên cứu vấn đề này, một cách nghiêm túc và Khoa học, là điều rất quan trọng. Chúng ta có thể được hưởng lợi từ tập hợp những kinh nghiệm tích lũy được trong các kiếp trước, để chúng ta phát triển hài hòa hơn. Quan niệm của chúng ta về cái Thiện và cái ác sẽ trở nên vững chắc hơn”. 

Trên thế giới này,từ cổ chí kim,có rất nhiều bằng chứng về tái sinh,nhưng có lẽ trường hợp của cháu James Leininger tại Hoa Kỳ gần đây là một trường hợp điển hình . Nhiều bài báo đã viết về cháu và ABC News đã phỏng vấn cha mẹ cháu trên đài truyền hình Hoa Kỳ.

 

Cháu JAMES LEININGER sinh năm 1998 chụp hình chung với bố mẹ của em là tái sinh của một phi công Hoa Kỳ tên là James Huston đã bị chết vì máy bay trúng đạn của quân Nhật trong Thế chiến thứ 2(Xin xem chi tiết trên Internet,chỉ cần đánh tên “James Leininger và hiện tượng tái sinh”).

 F- VÀI KINH NGHIỆM TRONG CÕI CHẾT

 Không phải tất cả mọi người khi chết đều trải qua đầy đủ các cảnh trạng như đoạn văn mô tả điển hình của bác sĩ Moody hoặc như toàn bộ nội dung của Tử thư Tây Tạng đề cập. Đấy là những hiện tượng cơ bản, một người khi chết có thể kinh qua đầy đủ tất cả những cảnh trạng đó hoặc một số nào đó thôi. Theo Tử thư Tây Tạng, nghiệp thức của mỗi người là nguyên nhân của sự sai khác đó. Những trích dẫn sau đây chỉ là phần hết sức khiêm tốn của những tài liệu đuợc công bố. Nếu đọc những kinh nghiệm này trong cái nhìn quán chiếu của Tử thư Tây Tạng sẽ thấy vai trò quan trọng cuả nghiệp thức đối với sự thấy biết trong cõi trung ấm.

1-Kinh nghiệm về cảm giác an lạc:"Cái điều mà tôi không bao giờ có thể quên, tuyệt đối không bao giờ quên được là cảm giác an lạc tuyệt trần hoặc một cái gì đó tương tự...Vâng, tôi nhớ như in, đó là một cảm giác tốt đẹp của an bình, hạnh phúc... Sự an lạc, giải thoát. Sự sợ hãi đi đâu mất. Không còn đau đớn nữa.Không còn gì cả. Đó là một sự tuyệt diệu. Dù có mất cả triệu năm để nói về cảm giác đó, tôi cũng không bao giờ có thể cắt nghĩa cho được.

Đó là cảm giác mà mọi người một ngày nào đó rồi cũng sẽ bắt gặp. Đối với tôi, an lạc là chữ đúng nhất mà tôi có thể dùng để diễn tả". (Phụ nữ, 60 tuổi, bị bệnh tim).

 2-Kinh nghiệm xuất hồn ra khỏi xác:"Căn phòng cấp cứu dường như sáng đỏ rực lên. Tôi không biết ánh sáng đó từ đâu tới. Tôi đang nhìn xuống và thấy họ (bác sĩ, ytá) đang làm việc trên cái xác tôi...Tôi đang ở trên cao, khỏi thân xác tôi và đang nhìn xuống. Họ đang làm việc để hồi tỉnh tôi.Tôi không nghĩ rằng mình đã chết. Đó là một cảm giác bất thường.Tôi không cảm thấy đau đớn một chút nào, mà chỉ thấy rất là an bình êm ả. Cái chết chẳng làm cho tôi sợ. Họ tiêm thuốc vào nơi háng. Bác sĩ B. đi lại, quyết định tiêm một phát vào bên trái... Rồi ông ta đổi ý, chỉ chỗ khác, gần trái tim...Tôi cảm thấy như là tôi vẫn còn sống. Như là tôi đang ở đây nói chuyện với bác sĩ vậy.Tôi có thể nghe họ, trông thấy họ đang làm việc trên thân thể tôi, nghe họ nói chuyện, ra mệnh lệnh, chỉ thị.Có vẻ như tôi đang ở ngoài thân xác tôi và nhìn thấy mọi việc đang diễn ra". (Đàn ông, 62 tuổi, thợ cơ khí về hưu, bị bệnh tim).

 3-Kinh nghiệm đường hầm và ánh sáng

 "Ở cuối đường hầm là ánh sáng rực rỡ. Nó có màu cam . Ồ,bác sĩ đã thấy cảnh mặt trời lặn lúc hoàng hôn rồi chứ? Từ ánh sáng ấy nổi lên một màu cam chói lọi với viền vàng ở chung quanh. Dường như đó là ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi không đi hết tới cuối đường hầm". (Đàn ông, 35 tuổi, bị bệnh tim).

 4-Kinh nghiệm về khả năng đi lại như ý muốn :"Trong lúc người ta phẫu thuật cho tôi, tôi chợt nhớ đến và liền trở lại ngay tức khắc nơi chiến trường mà tôi đã thua trận. Người ta đang thu dọn chiến trường. Tôi thấy những người chết hôm đó đang được gói lại trong “ponchos” và người ta đang thu nhặt người bị thương. Tôi quen một người trong toán và tôi nhớ như in là tôi đã cố gắng ngăn cản anh ta đừng có nhặt mấy cái xác kia. Nhưng tôi không làm được điều đó và bỗng nhiên tôi lại thấy mình trở về trạm phẫu thuật. Nó y như bạn vừa có mặt bằng xương bằng thịt ở đó rồi bỗng tức khắc bạn có mặt ở đây.Thật nhanh như nháy mắt." (Cưụ chiến binh Mỹ ở VN, kinh nghiệm NDE trong một lần bị thuơng nặng ở mặt trận Củ Chi).

 5- Kinh nghiệm về việc gặp đấng Thiêng liêng hoặc thân nhân (đã chết): "Rõ ràng y như rằng Chúa đi đến, đứng đó và đưa tay ra cho tôi. Vâng, ngài đứng đó, nhìn xuống tôi và mọi vật sáng rực lên. Ngài cao lớn, hai tay đưa ra, toàn thân trắng toát một màu, như là ngài mặc một chiếc áo dài màu trắng vậy. Gương mặt ngài đẹp hơn bất cứ khuôn mặt nào mà người ta từng thấy. Gương mặt ấy thật là đẹp đẽ, quả thật là xinh đẹp. Nước da ngài hầu như là sáng ngời lên, không một chút tì vết, tuyệt đối không một chút tì vết.Ngài nhìn xuống tôi, mỉm cười thân ái. (Phụ nữ 55 tuổi, Tin Lành)

 

 6- Kinh nghiệm cận tử đã làm thay đổi quan niệm sống: Một phụ nữ, sau khi trải qua NDE, tình nguyện phục vụ tại bệnh viện để an ủi bệnh nhân: "Sau khi chết đi sống lại, tôi đến xin làm việc tại bệnh viện với tư cách tình nguyện. Một trong các cô ở đó là một nhà tâm lý, đang làm cán sự xã hội, có biết về quan niệm sống mới của tôi. Mỗi khi bác sĩ cho bệnh nhân nào đó biết rằng họ sắp chết, cô thường được gọi đến vì người ta thấy rằng lúc đó cần có người ở bên cạnh để an ủi họ. Khi cô nghe có ai như thế đang lo âu phiền muộn thì cô lại gọi tôi và cùng với tôi đến chuyện trò với người sắp chết. Điều này không gây phiền hà gì. Nói chuyện về cái chết là điều dễ dàng đối với tôi.Tôi cảm thấy mình đã làm tốt việc đó và đã đem lại niềm an tâm hơn cho mọi người."

VII- LỢI ÍCH CỦA VIỆC TÌM HIỂU CÁI CHẾT

 1/ Làm chủ được cái chết: Thật vậy,khi mình đã hiểu ý nghĩa của cái chết thì mình có thể đối diện với nó mà không sợ nó nữa.Chỉ có thân xác bị huỷ hoại với thời gian như bộ đồ cũ đã bị rách nát chứ còn phần tinh thần thì không hề chết.

 2/ Chuẩn bị tốt đời sống này thì đời sống sau khi chết cũng sẽ tốt: Hãy sống lương thiện,thân khẩu ý trong sạch thì nếu chưa thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi thì khi tái sanh chắc chắn sẽ vào 3 đường thiện.

 3/ Tranh thủ thời gian: Biết rằng mình sẽ phải chết bất kỳ lúc nào,mình sẽ quý trọng thời gian hơn và làm việc hữu ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

 4/ Bớt tính kiêu căng,ngã mạn: Dù mình có quyền uy thế nào,giàu sang bao nhiêu,thông minh hơn người,mình cũng không thoát khỏi Thần Chết.Thấu rõ lý lẽ ấy,mình sẽ bớt kiêu căng, ngã mạn mà sống hoà hợp,an vui với mọi người hơn.

 5/Trải rộng Tâm Từ đến tất cả chúng sinh: Mọi chúng ta đều mang bản án tử hình, chỉ khác nhau ngày thi hành án mà thôi.Vậy sao chúng ta lại cứ phải hơn thua nhau, thậm chí sát hại nhau? Thái độ đúng đắn nhất là chúng ta hãy thương nhau, tha thứ cho nhau, đùm bọc lẫn nhau: từ những người trong gia đình đến những nhà trong xã hội, đến các quốc gia trên thế giới thì Trái Đất này chẳng phải là cõi tiên trên trần thế hay sao? 

VIII- KẾT LUẬN

 Tìm hiểu về cái Chết là một việc làm thật khẩn thiết vì tất cả chúng ta đều phải chết trong khi hầu hết chúng ta không biết gì về cái chết cả. Nếu thật sự Chết là hết thì sự việc quá dễ dàng, chúng ta cứ việc sống cho đã đi rồi khi chết,sẽ có người khác lo giải quyết cái xác của mình: chôn,thiêu,cho kên kên ăn…,mà chẳng cần bận tâm gì cả. Nhưng trên thực tế,đã có nhiều người nhớ về tiền kiếp,có những người tái sanh do ý nguyện độ sinh như những vị Lạt ma Tây Tạng, có những người đã trải qua kinh nghiệm cận tử, có những nhà ngoại cảm có thể tiếp xúc với người chết…thì như vậy, sau cái chết, còn có nhiều điều bí ẩn mà ngay cả Khoa học cũng chưa giải thích được. Khi Thần Chết đến, ta có thể đem theo được gì như : sắc đẹp, tiền của, danh vọng, người thân…hay chỉ là nghiệp báo. Phần xác trở về với cát bụi, phần hồn tiếp tục tái sanh vào cõi thiện hay ác tuỳ theo nghiệp báo của mỗi người.

 Cái tựa của bài báo cáo là "TÌM HIỂU VỀ CÁI CHẾT" là tôi cố ý đặt như vậy thay vì nói "BÀN VỀ CÁI CHẾT" vì những hiểu biết của tôi chỉ là do vay mượn từ các người đi trước chứ không phải là tôi đã "thực chứng".

 Các Thánh nhân xưa kia không trả lời về sự chết cho người hỏi, theo tôi nghĩ, không phải vì họ không biết mà vì họ không muốn người hỏi cứ thích "hý luận" trong khi không chịu thực hành để có được Thiên nhãn (chưa dám nói đến Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn).Vậy là ta phải thiền định thật tinh tấn để nhập thiền rồi mới có thể tiếp xúc được cõi vô hình,mới biết rõ được cái Chết. Giờ đây, chúng ta chỉ có hai con mắt thịt (Nhục nhãn) thì làm sao chúng ta thấy được cõi vô hình để mà kết luận:Có-không?Đúng-sai?... Tôi nghĩ Khoa học cũng khó chứng minh được đời sống sau cái chết và các cõi vô hình nếu vẫn chỉ dùng ngũ quan giới hạn của con người cũng như những lý luận nhị nguyên để phân tích rồi tổng hợp.Tôi nghĩ các Lạt ma Tây Tạng nhờ Thiền định thâm sâu đã kể lại cho chúng ta rõ về sự chết để ta chuẩn bị cho chính mình và cho người thân của mình thì tại sao có người lại phủ nhận ? Trước khi đi đâu xa,ta thường phải chuẩn bị hành trang thật đầy đủ thì các bạn có thấy thật lạ lùng không vì người ta thường không lo chuẩn bị điều gì trước khi vào cõi Chết cả.Theo tôi,ta nên chuẩn bị ngay lúc còn sống , nhất là với những người đã có tuổi để sự ra đi được nhẹ nhàng và tốt đẹphơn.

 Sống là chết từng giây, từng phút, là tiến trình đi về cái chết. Cái chết lại khởi đầu cho một cuộc sống mới. Chẳng phải là trong từng giây, từng phút, bao nhiêu tế bào cũ chết đi lại được thay thế bằng bấy nhiêu tế bào mới được sinh ra sao? Nếu một người hiểu được lẽ vô thường của Trời Đất: “Sinh rồi tử,tử rồi lại sinh”thì người đó không còn băn khoăn về cái chết nữa mà chấp nhận cái chết một cách bình thản như nhìn cái lẽ tự nhiên của bốn mùa “Xuân, Hạ,Thu , Đông” vậy!

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Pháp tuyển (Phật Pháp tuyển tập) :Hiển Mật-Đỗ Hữu Trạch, 2011

2/ Tạng thư Sống Chết :Sogyal Rinpoche, Ni sư Trí Hải dịch .

3/ Cái Chết: Đức Dalai Lama giảng tháng 8 năm 2010 .

4/ Qua cửa chuyển tiếp: Đoàn văn Thông.

5/ Kinh nghiệm cận tử: Stephanie Lam (Nguồn: The Epoch Times).

6/ Life after life : Raymond Moody.

7/ Recollection of Death, a Medical Investigation :Sabom Michael.

8/ Trở về từ cõi sáng : Nguyên Phong.

9/ Bên kia cửa tử: Charles Leadbeater do Nguyên Phong dịch.

10/Thể dạng trung gian giữa cái Chết và sự Sinh: Dagpo Rimpoché.

11/Thắng cái Chết (Vaincre la Mort): Dalai Lama

12/ Sự sống sau cái chết (Life after death): Deepak Chopra.

13/Quyền năng của Hiện tiền (The Power of Now): Eckhart Tolle.

14/Luân hồi-tái sinh có thể hiểu được: Hà Yên.

15/Reincarnation, một câu chuyện đầu thai có thật tại Hoa Kỳ:Minh Trí.

Download