Nói chuyện trên đài SÀI GÒN-HOUSTON (27/6/2024)

(Đề tài: LÝ VÔ NGÃ)

 

QL= Thưa quý thính giả,

Đây là chương trình Văn Hóa Việt, do Trường Truyền Thống Việt (TTTV) phụ trách, đến với quý thính giả của đài Sài Gòn- Houston (SGH) mỗi tháng một lần, vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SGH.

Hôm nay, chúng tôi mời BS. Nguyễn Quý Khoáng đến với chương trình Văn Hóa Việt trong đề tài= LÝ VÔ NGÃ.

Chúng tôi xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SGH.

QK= Xin kính chào quý vị thính giả đài Sàigòn-Houston. Tôi rất hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện hôm nay.

 QL= Thưa quý thính giả, BS. Nguyễn Quý Khoáng đã đến với chương trình Văn Hóa Việt nhiều lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được có đôi lời giới thiệu về BS. Nguyễn Quý Khoáng với những thính giả mới nghe BS. Khoáng lần đầu.

 Bác sĩ NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa Saigon khóa 1968-1975 với chuyên khoa X Quang.

- Được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983. Làm việc tiếp tục tại bệnh viện An Bình (là bệnh viện Triều Châu, Saigon, trước 1975) từ 1983 đến 2009 với chức vụ là Trưởng Khoa X Quang đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (là tên mới của ngành X Quang) Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Saigon.

- Được mời sang Pháp làm giảng sư X Quang (Maitre de conférences invité en Radiologie) tại Đại học Y khoa Nancy những năm 1997, 1998 và 1999.

- Nghỉ hưu năm 2009 nhưng tiếp tục làm việc tại Trung tâm Chẩn đoán Y Khoa Medic và giảng dạy tại các viện, trường cho đến năm 2013.

- Định cư tại Hoa Kỳ, bang North Carolina năm 2013 theo diện đoàn tụ gia đình.

- Từ năm 2014, lập một Website về Chẩn đoán hình ảnh <www.cdhanqk.com> để truyền đạt các kiến thức chuyên môn X Quang tới các đồng nghiệp và sinh viên Y khoa cùng các kỹ thuật viên X Quang.

QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi là phần giới thiệu BS. Nguyễn Quý Khoáng.

Chúng tôi xin bắt đầu đề tài của chương trình ngày hôm nay là bàn về LÝ VÔ NGÃ.

1/ QL= Trước khi mời BS. Khoáng nói về Lý Vô Ngã, xin mời BS. cho định nghĩa về chữ Ngã. Xin thưa với quý thính giả chữ Ngã ở đây là một chữ Hán Việt. Xin anh cho định nghĩa về “Ngã”

 QK NGÃ còn gọi là TA  để nói đến một cái TÔI có ở mỗi người, xem như chủ thể của người đó. Ngay từ khi mới ra đời, tôi được cha mẹ đặt  cho một cái tên để phân biệt với anh chị em khác và với người ngoài gia đình... Với thời gian, tôi quen với cái tên đó nên mỗi khi ai gọi, tôi vui và cười khi được vừa ý, tôi la và khóc khi bất như ý. Lớn lên, tôi đi học rồi đi làm, cái NGÃ của tôi càng được củng cố với các học vị và chức danh. Cái NGÃ của tôi càng to ra, cái tôi càng thấy khác với mọi người. Những gì là tôi (NGÃ) và của tôi (NGÃ SỞ) phải đẹp hơn, tốt hơn... người khác. Đặc tính của Ngã gồm Tham, Sân, Si, kiêu mạn, nghi. Ngã là chủ tể tức là ngã có quyền sắp đặt, điều khiển và tự do tự tại. Đa số mọi người đều tưởng mình là chủ của thân tâm, muốn đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ gì cũng được, cho nên tin chắc rằng trong thân tâm này có một ông chủ  hay cái Ta (Ngã). Trên đời này, hầu hết con người đều bị dính mắc bởi 4 muốn: danh vọng, tiền bạc, tình ái, ăn ngủ. Và 4 muốn này từ 3 chữ Tham , Sân, Si mà ra. Cốt lõi của vấn đề đau khổ trên thế gian này là từ cái Tôi mà Pascal đã phải nói cách đây 4 thế kỷ rằng "Cái tôi đáng ghét" (Le Moi est haissable) còn Đức Phật, cách đây 25 thế kỷ đã giải thích rằng mọi đau khổ trên đời này là do "Chấp Ngã" (nghĩa là bám víu vào cái Ta).

Trong quyển « Les pensées», Blaise Pascal (1623-1662) giải thích “ Cái Tôi đáng ghét” (Le moi est haissable) như sau:

 -Do tự ái (amour-propre , amour de soi) và do tưởng tượng, con người tự xem mình như là « cái rốn của vũ trụ » (nombrilisme). Như vậy, người đó sẽ ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình, mỗi người là kẻ thù và muốn là bạo chúa của tất cả người khác ( chaque moi est l’ennemi et voudrait être le tyran de tous les autres ).

 - Tự ái khiến con người ra vẻ như sống chứ không thực hiện hữu, mơ mộng về cuộc đời hơn là thực sống (L’amour-propre pousse les hommes à paraître plutôt qu’à être, à rêver leur vie plutôt qu’à la vivre).

- Cuộc đời chỉ là một ảo tưởng liên tục, người ta chỉ lừa dối nhau và tâng bốc nhau ( la vie humaine n’est qu’une illusion perpétuelle ; on ne fait que s’entre-tromper et s’entre-flatter).

        Còn theo Ấn Độ giáo, NGÃ là chủ tể: Chủ là có quyền định đoạt, tự do, tự tại. Còn tể là sai xử, là điều khiển. Về tâm linh, NGÃ còn là linh hồn được gọi là tiểu ngã (Atman) bị đọa xuống trần gian. Khi tu hành và hoàn thiện, Atman sẽ nhập vào Đại Ngã (Phạm Thiên, Brahma,Thượng Đế) và thoát khỏi khổ đau.

II/  QL=Xin cảm ơn BS. Khoáng đã giải thích rất rõ ràng và đưa nhiều ví dụ về chữ Ngã. Nhưng trong mỗi người, làm sao thành ra cái “Ngã”? có phải tự Trời sinh ra có “Ngã” như thế? Xin mời BS. Khoáng.

 

QK=  Cái Ta (ngã) không phải chỉ là một danh từ quy ước và giả lập trên thân và tâm, mà nó là một nhận thức thâm sâu trong lòng mọi người. Khi hai đứa bé cỡ một, hai tuổi chơi chung với nhau, nếu đứa này giựt đồ chơi của đứa kia thì tức khắc đứa kia sẽ la khóc, cào cấu đứa này. Hai đứa bé chưa biết nói, chưa biết bịa đặt ra “danh từ” Ta, nhưng chúng đã có một cái ngã (Ta) trong người rồi, một cái ngã thâm căn cố đế, tích trữ và duy trì từ nhiều kiếp. Cái ngã này trong Duy thức học gọi là “Câu sinh ngã chấp” tức là cái ngã hiện hữu ngay khi đứa bé được sinh ra đời. Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái Ta và của Ta thì sự bám víu vào cái thân là nặng nhất, thâm sâu nhất. Cái Ta ban đầu chỉ là một vọng niệm của tâm, nhưng khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng này chính là cái thân. Bám víu vào thân cho đó là Ta, là của Ta rồi nâng niu, chăm sóc nó, đây gọi là “thân kiến”.  Cái Ta cũng biết suy nghĩ, bàn cãi, lý luận, có ý kiến này, ý kiến nọ. Khi gặp như vậy thì Ta luôn luôn cho ý kiến của mình là đúng hơn hết, còn ý kiến của người khác đều sai lầm.

      Nhiều người đến với đạo Phật với mục đích giác ngộ, giải thoát. Họ tụng kinh, trì chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng lại không biết diệt trừ bản ngã. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo, họ vẫn chấp vào cái Ta nên kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi, đến khi cái ngã bị trái ý, thì bất mãn và khổ đau .

 

III/ QL= Cảm ơn anh đã giải thích. Chúng ta hầu hết đều sống chung với người khác, từ khi sinh ra đời cho đến khi về với ông bà. Từ khi còn nhỏ, ở trong gia đình, chúng ta chịu sự giáo dục của gia đình, khi đến tuổi đi học lại chịu ảnh hưởng của học đường, của thầy cô, bạn bè, và rộng hơn nữa là của xã hội. Như vậy ảnh hưởng của gia đình, của xã hội, nói chung của giáo dục, trên “Ngã” như thế nào. Xin mời BS. Khoáng.

 

QK= Trong hầu hết các trường hợp, đứa bé sinh ra đời được cha mẹ yêu thương, che chở, nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Giáo dục gia đình rất quan trọng vì sẽ định hình cái tôi của bé sau này. Cha mẹ hiền lương, bao dung, giúp đỡ mọi người sẽ khiến con cái bắt chước theo và ngược lại như Tổ tiên ta đã dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Lớn lên, ta được đi học nên cái tôi càng được củng cố hơn. Sự phân biệt ta với người rõ ràng hơn, mọi việc gì cũng dựa trên cái tôi làm căn bản. Theo triết lý Phật giáo, NGÃ là tập hợp của NGŨ UẨN. “Uẩn” nghĩa là sự tập hợp thành một nhóm, cũng còn được gọi là “ấm” nghĩa là che mờ. Đó là vì các yếu tố ở mỗi uẩn, một khi tập hợp lại, tác động lẫn nhau rất khó cho ta phân biệt yếu tố nào trong một uẩn là yếu tố chủ động còn yếu tố nào ở một uẩn khác là yếu tố phụ thuộc. Vậy Ngũ uẩn gồm 5 nhóm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức và là tiến trình tạo nên sự sống của con người. SẮC thuộc về phần thể xác còn 4 uẩn kia thuộc phần tinh thần. SẮC đối với con người là thân thể, được tạo bởi tứ đại là: đất, nước, gió, lửa. THỌ là sự cảm nhận : dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Thọ gồm cảm giác do vật lý và cảm xúc do tâm lý. TƯỞNG là tri giác hay là sự nhận biết do kinh nghiệm qua 6 căn, HÀNH là tiếng nói trong nội tâm, cấu tạo các sắc thái của Tâm như vui, buồn, giận và là gốc của Ý nghiệp .THỨC là phân biệt, so sánh, quyết định, công bố và tạo ra nghiệp qua hành động (thân  nghiệp) và qua lời nói (khẩu nghiệp) . Ngũ uẩn không gây ra đau khổ mà khổ là do chấp thủ các uẩn xem như là cái ta.

        Để dễ hiểu, ta nên phân biệt 3 “cái ta”:

1/ Cái ta tương đối? Cái ta tương đối là một danh từ giả lập để chỉ năm uẩn. Mỗi khi năm uẩn hợp lại thì gọi đó là ta (ngã), nó là một đại từ quy ước để xưng hô và chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân trong cộng đồng. Thí dụ khi đi chợ, bạn nói :"Tôi đi chợ". Cái tôi này thuộc loại giả lập, vì thực tế có một cái thân này đi chợ chứ không phải cái thân của người khác đi chợ .

2/ Cái tôi  quy ước tùy vào địa vị trong gia đình và xã hội:

Chính vì quan niệm rằng mình có một cái tôi thật sự khác biệt với mọi người nên mình muốn (cả

ta và những  người thân của ta) hơn người khác về mọi mặt như học giỏi hơn, địa vị cao hơn, giàu có hơn…Chỉ vì lòng tham và sự ích kỷ mà ta bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều trên. Còn nếu ai động chạm tự ái của ta như nói xấu, mắng nhiếc…thì ta sẽ nổi sân lên.

3/ Cái ta ảo tưởng ngã chấp hay  bản ngã? Thí dụ như có ai chửi bạn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, tức tối : "Tại sao nó chửi Tôi?" Chính ngay lúc đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy có một cái Tôi  hiện hữu « hình như » độc lập không ăn nhằm gì đến thân hay tâm cả! Cái Tôi  đó bị chửi, bị tổn thương chứ không phải cái thân hay tâm bị chửi. Người ta đâu có chửi thân tôi, đâu có chửi tâm tôi, người ta chửi "Tôi" mà! Cái tôi này chính là « cái ta ảo tưởng » không có tự thể, nhưng phải nhìn sâu mới thấy được. Chính cái Ta này được mọi người nhận lầm là Ngã . 

 

IV/ QL=Trong đời sống hiện đại, nhất là ở Hoa Kỳ, người ta chú trọng nhiều đến chủ nghĩa cá nhân. Xin anh cho biết chủ nghĩa cá nhân có phải là sự tôn trọng cái “Ngã”?

 

QK=  NGÃ có mặt tốt và mặt xấu.

-Mặt tốt là trong xã hội, NGÃ giúp phấn đấu, ganh đua để tiến bộ. Chính nhờ thế mà khoa học mới phát triển tạo nên những tiện nghi vật chất cho con người, kinh tế thương mại mới phát đạt khiến con người giàu có, văn hóa đua nở làm phong phú đời sống tinh thần trong xã hội...

-Còn mặt xấu thì  NGÃ có các đặc tính=Ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái đưa đến NGÃ CHẤP... Si-Tham-Sân là tam độc đưa đến chủ nghĩa cá nhân, tôn thờ lãnh tụ, các chế độ độc tài, phát xít gây đau khổ cho loài người. Chính vì thế mà Pascal, triết gia và khoa học gia Pháp mới nói: Cái ta đáng ghét (le Moi est haissable) và Hòa thượng Kim Cương Tử mới đặt lên hàng đầu của 14 điều răn của Đức Phật: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. 

Vì tin rằng cái Ta có thật nên phân chia Ta với người :

-Nghĩ cái Ta có thật nên muốn vun bồi cho mình và gia đình mình, đó chính là lòng Tham.

-Nghĩ cái Ta có thật nên ai đụng chạm đến Ta thì tự ái nổi lên, Sân phát khởi.

Thường người ta hay nói Tham-Sân-Si , tuy nhiên ta nên nói Si-Tham-Sân.

Thật vậy, từ việc Chấp cái Ta có thật (Si) nên mới sinh ra Tham và Sân và sự chấp ngã này được xem như kẻ thù của chính mình.

Vậy cách giải thích của Pascal về gốc của « cái Tôi đáng ghét » là do « tự ái » và của Đức Phật về « Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình » là do « chấp ngã » khác nhau ở chỗ là Đức Phật đã phân tích sâu hơn vì "chấp ngã" mới là nguyên nhân của "tự ái".

 

V/ QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi, BS. Nguyễn Quý Khoáng đã giải thích và đưa ra nhiều ví dụ để nói về Ngã, đã đưa ra định nghĩa của Ngã, tìm hiểu xem Ngã ở đâu mà ra, chịu ảnh hưởng của giáo dục, của xã hội hay không. Nay xin mời BS. Khoáng chia sẻ với quý thính giả định nghĩa về  “Lý Vô ngã” là chủ đề cho buổi nói chuyện hôm nay.

 

QK= Lý VÔ NGÃ phát xuất từ kinh VÔ NGÃ TƯỚNG (Anattalakkhana-sutta), là bài kinh mà  Đức PHẬT giảng cho 5 anh em ông Kiều Trần Như sau khi Ngài thuyết kinh Chuyển Pháp luân là Tứ Diệu đế.  Kinh này hiện nay nằm trong Tương Ưng Bộ kinh. Nội dung bài kinh này đã được Thượng tọa Thích Trí Siêu dịch như sau:

       Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với 5 anh em ông Kiều Trần Như:
      "Này các tỳ kheo, sắc không phải là ta, không phải là tự ngã của ta (chữ tự ngã ở đây muốn nói là linh hồn). Nếu sắc là ta thì sắc sẽ không gây đau khổ và đối với thân thể ta có thể ra lệnh:  “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì thân thể không phải là ta, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh cho thân thể: "Thân tôi phải như thế này hay như thế kia".
Này các thầy, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

 
Này các tỳ kheo nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Sắc là vô thường, thưa Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng ?
- Là khổ, thưa Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng? - Không thể được, thưa Thế Tôn.

Này các tỳ kheo, thọ, tưởng, hành, thức  cũng như vậy.

 
Này các tỳ kheo, như thế thì tất cả những gì thuộc sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta".
Cũng thế, tất cả những gì thuộc  thọ, tưởng, hành, thức  cũng như vậy.

 
Khi nhận định sự vật như thế, này các thầy, người hành giả thông minh xa lìa và nhàm chán sắc thân, xa lìa và nhàm chán cảm thọ, tri giác, tâm tư và ý thức. Do nhàm chán, xa lìa nên vị ấy không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên được giải thoát. Khi được giải thoát, trí huệ khởi lên: "Đây là sự giải thoát" và vị ấy biết: "Tái sinh chấm dứt, phạm hạnh đã thành, điều nên làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa". 
Khi Đức Thế Tôn nói xong, năm vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ và tâm của 5 vị được hoàn toàn giải thoát khỏi luyến ái và ô nhiễm”. 

       Vậy nội dung của kinh này nói rằng Ngã gồm ngũ uẩn và chúng ta không nên chấp vào các uẩn này vì các uẩn này đều không phải là ta, là của ta và tự ngã của ta. Bài thuyết pháp này của Đức Phật không phải là bài kinh VÔ NGÃ mà được gọi là  bài kinh VÔ NGÃ TƯỚNG (Anatta-Lakkhana sutta). Chúng ta để ý ở đây có từ Lakkhana, có nghĩa là “tướng, vẻ ngoài, dấu hiệu”. Đức Phật chỉ giảng là “không có cái tướng của cái ta” chứ không nói là “không có cái ta”. Ngài chỉ cảnh giác  “đừng lầm tưởng cái này là ta, là của ta mà ôm lấy nó, nắm chặt lấy nó”. Thời đó, có vài đệ tử hiểu sai lời Đức Phật nên tự tử vì tưởng rằng Ngài nói VÔ NGÃ là không có cái tôi . Vì vậy, về sau, Tỳ kheo THANISSARO đề nghị thay khái niệm NO SELF (không có ta) bằng NOT SELF (không phải là ta). Cũng giống như trong đêm tối, ta tưởng sợi dây là con rắn nhưng khi rọi đèn pin, ta mới biết là sợi dây. Vậy đây chỉ là do tưởng lầm chứ không phải là không có gì cả.   

VI/ QL= Cảm ơn anh đã  giải thích. Xin anh cho biết “Lý Vô ngã” có phải là một danh từ triết học phổ quát hay là một khái niệm chỉ có trong lý thuyết đạo Phật?

QK= LÝ VÔ NGÃ chỉ có trong triết lý của Đạo Phật, ngược hẳn với các tôn giáo khác xem  cái Ngã là quan trọng, là chủ tể, là linh hồn, là có thật. Theo Đạo Phật, nếu muốn nói NGÃ có thật thì NGÃ phải hội đủ 3 điều kiện sau đây:                        1/ Về không gian NGÃ phải  có thực thể, có tự tính, có bản chất độc lập.

2/ Về thời gian, NGÃ phải không biến đổi.

3/ Về chủ thể thì NGÃ phải quyết định được mọi điều theo ý mình nghĩa là có sở hũu chủ.

Nhưng trên thực tế:

1/ NGÃ là một tập hợp của 5 uẩn do duyên kết lại nên giả có ( có mà không thật).

2/ NGÃ luôn luôn biến đổi (từ một bé sơ sinh lớn lên thành chú bé, thanh niên, người trung niên rồi người già) , thậm chí thay đổi ở tầng vi mô trong từng sát na ( một phần rất nhỏ của 1 giây).

3/ Về chủ thể thì NGÃ hoàn toàn không làm chủ được thân tâm này, chính vì thế mà con người bị chi phối bởi luật thiên nhiên: sinh, lão, bệnh, tử.

VÔ NGÃ là một trong tam pháp ấn của Đạo Phật gồm Vô thường, khổ ,Vô ngã. Nói là VÔ NGÃ vì không có cái tôi bất biến và VÔ NGÃ còn được xem là vô chủ. Nhà Phật học Edward Conze (1904-1979) đã nói: Lý vô ngã là cống hiến lớn nhất mà Phật giáo dành cho nhân loại. Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921- 2001) còn viết một quyển sách với tựa đề: “Vô ngã là Niết bàn”.

Vô ngã  có nghĩa không có gì  độc lập mà là tương tức, là do duyên sinh.  Có thể nói gọn lại, theo Đại thừa, vô ngã là không có tự tánh còn theo Phật giáo nguyên thủy, vô ngã là “không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”. 

    

VII/ QL=Xin anh cho biết trong đạo Phật, khái niệm của “ Lý Vô Ngã” ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân?

 

QK=   Có thể nói không ai chấp nhận được rằng không có cái tôi hay cái tôi này là giả. Thật ra Đức Phật không phủ nhận cái tôi mà chỉ nói rằng cái tôi là kết hợp của ngũ uẩn do duyên hợp mà thôi. Vậy là cái tôi tạm có, hết duyên thì tan rã. Cái tôi chỉ là một ảo ảnh được tạo ra bởi sự tiếp diễn liên tục của nhiều hình ảnh giống như một vòng lửa quay tròn từ một bùi nhùi buộc ở đầu một sợi dây hoặc như trò chơi game trên vi tính.

Chính nghiệp lực là chất keo giữ cho ngũ uẩn kết dính vào nhau và mọi đau khổ ở đời xoay quanh cái tôi này. Để hiểu lý vô ngã thì không khó nhưng chứng ngộ lý này và sống đúng với lý này thì không dễ chút nào. Sau đây là một ví dụ có thật trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

       Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) sinh năm 1689, mất năm 1769 ở thời kỳ Edo Nhật bản, xuất gia từ năm 8 tuổi, là một vị thiền sư quan trọng nhất của dòng thiền Lâm Tế. Khi còn trẻ, Sư được mọi người ca ngợi là người có một cuộc sống trong sạch. Nhưng một hôm, có một cô gái đẹp, con một chủ tiệm thực

phẩm gần chùa mang thai. Cha mẹ cô nổi giận tra khảo. Lúc đầu, cô không chịu thú nhận cha của cái thai đó là ai mặc dù bị đánh đòn, nhưng  cuối cùng cô ấy khai là Sư Bạch Ẩn.

Cha mẹ cô đi thẳng đến chùa mắng nhiếc Sư thậm tệ. Sư chỉ thốt vỏn vẹn hai tiếng: “Thế à?”. Sau khi đứa bé được sinh ra, cô gái mang nó đến cho Sư Bạch Ẩn nuôi. Sư nói “Thế à?” nhận nuôi  đứa bé bằng cách đi xin sữa từ các bà hàng xóm và mọi thứ cần thiết khác trong sự khinh bỉ của mọi người. Một năm sau, mẹ cháu bé hối hận khai thật cho cha mẹ cô ta biết rằng người cha  của đứa bé là một thanh niên bán cá ngoài chợ chứ không phải là Sư.

Cha mẹ cô ta lập tức đến gặp Sư Bạch Ẩn cầu xin tha thứ và xin đem đứa bé trở về.

Khi trao lại đứa bé, Sư Bạch Ẩn  cũng chỉ nói hai tiếng, “Thế à?”

Từ đó, Ngài được mệnh danh là Thiền Sư “Thế à”.

        Tại sao, Ngài Bạch Ẩn có thể hành xử như vậy? Đó là vì ngài đã thấu rõ lý vô ngã như lời Đức Phật đã dạy trong Kinh Vô ngã tướng. Ngài đã thấy rõ không có cái ta thật và cuộc đời như là giấc mộng. Còn hầu hết dân chúng thì mở mắt mà chiêm bao!

        Suy từ lý Vô ngã, chúng ta hiểu vạn vật trên thế gian này chỉ do duyên hợp, biến chuyển không ngừng nên không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Đứng về phương  diện thời gian, sự vật là vô thường, đứng về phương diện không gian, sự vật là vô ngã.  

       Đa số chúng ta chấp vào Ngã nhưng có một số ít lại chấp vào Vô Ngã. Họ nghĩ rằng Đức Phật nói vạn pháp do duyên hợp nên không có gì là thật cả, chết là hết thì dại gì mình không hưởng thụ bằng mọi cách, kể cả việc giết hại người khác. Đời chỉ như giấc chiêm bao, không có linh hồn, không có nghiệp báo, có gì mà phải sợ. Nhưng họ phải hiểu rằng nếu có nhân “giả” thì cũng có quả “giả” và trong mộng họ vẫn phải trả những quả báo này, họ vẫn phải nếm mùi đau khổ trong cảnh mộng, không chạy đi đâu được cả.

       Vô ngã là một sự thật mà Đức Phật đã ngộ ra nên Ngài đã khuyên dùng làm phương pháp tu tập nhằm giải thoát khỏi khổ đau do chấp ngã gây nên. Nói như lời học giả Nguyễn Duy Cần trong quyển Phật học tinh hoa:

      “Đó là diệt cái nhận thức mê lầm của Ngã chấp. Chỉ có thế thôi, thật là hết sức đơn giản ! Cái mà gọi là ta, không phải là không có (như cái mà gọi là con rắn, đâu phải là không có). Không có con rắn thật nhưng có sợi dây thừng thật, nên gọi là "phi hữu, phi không". Bảo là con rắn thì sai nhưng bảo là không có gì cả cũng sai: rằng có là sai mà rằng không cũng là sai, tức là cái nghĩa: "Có mà Không, Không mà Có". Tóm lại, cái ta không có thật nhưng khi mê thì thấy là ta, khi ngộ thì lại là Bản thể Tâm, là Phật Tánh”.

VIII/ QL= Nếu hiểu sự vật là vô thường, sự vật là vô ngã như anh đã giải thích ở trên, vậy khi nói Vô ngã thì còn gì?

QK= Giáo lý Vô ngã thường khiến cho đa số Phật tử sợ hãi, hoang mang, “không có ta thì còn gì? Không còn gì nữa chăng?”. Do đó Đức Phật giảng về Như Lai tạng (Phật Tánh) để chúng sinh khống chế nỗi sợ hãi ấy. Không có ta nhưng có tâm, có Như Lai tạng là một tâm thể thường hằng, thanh tịnh, bất biến. Nhưng Như Lai tạng không thể là đối tượng nhận thức thông thường của thế gian cho nên kinh Lăng Già đề nghị thay Như Lai tạng bằng A-lại-da thức để có thể giải thích dễ dàng hơn bản chất và hoạt động của tâm thức này. Vậy, các câu trả lời cho những thắc mắc ở trên là:

  1. 1. Không có Ta thì ai đi tái sinh? 

- Tâm đi tái sinh.

  1. Không có Ta thì ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo?

- Tâm tác ý tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý. Khi ngũ uẩn tan rã, tâm vô minh khát ái, thèm sống nên bị nghiệp lực dẫn dắt đi tìm một ngũ uẩn khác để tiếp tục hiện hữu.

  1. Không có Ta, vậy ai tu, ai giải thoát?

- Khi tâm biết đạo, hiểu đạo, tu tập loại trừ tà kiến chấp ngã, ái dục thì tâm giải thoát. 

  1. Không có Ta thì ai vãng sinh Cực Lạc?

- Do tâm chuyên cần niệm Phật, nhớ tưởng Phật, đến khi ngũ uẩn tan rã, tâm vãng sinh về Cực Lạc.  Nói theo Duy Thức Học thì những chủng tử trong A-lại-da thức biến hiện ra một thân  chánh báo và một cảnh y báo tương ứng với cảnh Cực Lạc.

  1. Vô ngã vậy ai chứng A-la-hán? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn?

- Khi tâm không còn chấp ngã, bao nhiêu ô nhiễm, ái dục được diệt trừ thì tâm đó chứng quả A-la-hán. Tâm vô ngã và thành tựu vô lượng công đức thì tâm đó là Phật. Tâm vô ngã là Niết bàn chứ không có ai nhập Niết bàn.

IX/  QL=Sau khi hiểu Lý Vô Ngã, chúng ta có thể áp dụng  “Lý Vô Ngã” trong đời sống xã hội và đời sống tu hành như thế nào? Xin mời BS. Khoáng. 

QK=

1/ Đời sống xã hội

         Hầu hết các tôn giáo đều nói có một đấng tối cao như Thượng đế (với nhiều tên khác nhau như Đức Chúa trời, Allah, Brahma) sáng tạo ra thế giới và sinh ra loài người, trong khi đó Đạo Phật nói vô ngã và không chấp nhận có một đấng tạo hóa nào cả. Đây là một điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với đa số quần chúng.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, mọi người đều phải dùng chữ ta (tôi, mình) để xưng hô với nhau. Bây giờ nói vô ngã, tức là không có tôi, nghe rất vô lý! Nói chúng ta vô ngã tức là chúng ta không có ta? Vậy nghĩa là sao? Tu hành để đạt được vô ngã có ích gì? Bây giờ tôi đang có đây, có vợ con nhà cửa, tài sản, danh vọng, nay bảo tôi tu vô ngã để cái tôi biến mất và cả những thứ của tôi cũng mất luôn. Ai ngu dại gì mà tu như vậy?  Tôi tu là cốt để được cái gì chứ? 

Lý Vô ngã không phải để hư vô hoá con người, xoá bỏ sự có mặt của con người trong cuộc đời, trái lại kết hợp chủ thể với tha nhân, xoá bỏ biên giới cách biệt giữa người với người, trải rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh. 

Bạn không phải là thân xác này, đừng nhận lầm thân xác, thọ, tưởng, hành, thức là Ta, là mình. Bản chất và lý lịch thật sự (true identity) của bạn là Tâm (Chân tâm, Phật Tánh). Tâm thanh tịnh vắng lặng, bất sinh, bất diệt và vô ngã.

2/ Đời sống tu hành

            Bắt đầu từ Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa thì bắt buộc phải hiểu Vô ngã và dẹp trừ cái ngã. Tu tập vô ngã có nhiều cách nhưng cách thù thắng nhất là:

Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) hay còn gọi là Minh Sát Tuệ (Vipassana).

Điều kiện ban đầu là phải ý thức được Chân lý không thể có ngoài đời sống thường nhật. Dù có tụng 3.000 bộ kinh Pháp Hoa mà không biết trở về quán chiếu nội tâm thì vẫn chưa nếm được mùi vị của Phật Pháp.

Cần nhớ là trong tất cả bốn lãnh vực quán niệm (thân, thọ, tâm, pháp) hành giả phải lấy chánh niệm (Sammà Sati) làm đầu, và chỉ giữ chánh niệm mà thôi, có nghĩa là giác tỉnh quan sát và ghi nhận một cách khách quan.

1/ Khi chú tâm quan sát ghi nhận thân thể và những gì liên quan đến thân thể như hít thở, đi đứng, hành động, tứ đại, nội thân bất tịnh, hay xác chết thì gọi là niệm thân.

2/ Khi chú tâm quan sát ghi nhận những cảm thọ sướng, khổ sinh diệt ra sao thì gọi là niệm thọ.

3/ Khi chú tâm ghi nhận và quan sát những trạng thái tâm thức (như tham, sân, si, có khởi lên hay không) thì gọi là niệm tâm.

4/ Khi chú tâm quan sát ghi nhận các pháp đối tượng của tâm như lục căn, lục trần, ngũ uẩn, tứ thánh đế..., thì gọi là niệm pháp.

Hướng tâm quán niệm bốn lãnh vực trên để làm gì? Để thấy được tính chất vô thường, vô ngã của các pháp, để chế ngự tham dục và ưu tư trong cuộc đời, để thoát khỏi khổ đau phiền não. 

Các điều cần chú ý khi thực hành=

1/  Chỉ ghi nhận (quan sát chứ không suy nghĩ) và nhận diện ngay những gì đang xẩy ra trên thân và tâm, một cách khách quan, tự nhiên.

2/  Liên tục mà không cố gắng, không tập trung, không mong cầu.

3/ Sống chậm lại và có thể  thực hành ở mọi nơi, mọi lúc.

4/  Không tự đồng hóa với hành động của ngũ uẩn. Ví dụ:

 a/ Khi đi, bạn sẽ trực tiếp nhận ra chỉ có sự đi là một thực tại, trong đó không có Ai đang đi, không có Ta  đang đi! Vì sao thế? Vì đó là một động tác vô chủ, là sự phối hợp chuyển động của thân và tâm . 

  b/ Khi ngồi thiền lâu, bỗng nhiên cảm thấy đau nhức nơi chân thì bạn ghi nhận: “Có cảm giác đau nơi chân” hoặc “Đau, đau, đau”. Bạn không nên niệm: “Tôi đau chân, hoặc chân tôi đau”. Vì sao? Vì thực tế không có một cái Tôi nào đau chân, và cũng không có cái chân nào là của Tôi.

        Tu tập đúng đắn Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ có cái nhìn khách quan, không dính mắc đối với sự vật. Không còn cho thân này là Ta nên không nâng niu, ái nhiễm nó nữa. Không còn cho những  cảm thọ là Ta nên không chạy theo khoái lạc, cũng không xua đuổi khổ thọ. Không còn lầm cho những ý niệm, tư tưởng, suy nghĩ là Ta nên không bị tham, sân, si, vui, buồn, tủi, nhục chi phối. Ta sống chánh niệm, tỉnh giác, vô ngã, vị tha trong cái Đang Là.

X-  Kết luận. QL= Thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Chúng tôi xin mời BS Khoáng cho lời kết về đề tài hôm nay.

QK= Để kết thúc bài nói chuyện hôm nay, tôi xin có vài lời như sau:

       Đa số chúng ta cứ tưởng mình tu theo Đạo Phật, thường mong cầu đạt được tầng Thiền này hay quả vị kia. Thật ra đó là tu theo Ấn Độ giáo, nghĩa là hoàn thiện cái Ta để nhập vào Đại Ngã. Càng tu, cái Ta càng to ra, tham sân si càng trầm trọng hơn. Chính vì lý do đó mà Đức Phật mới nói “ Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. 

Họ quên mất cốt lõi của việc tu hành là dẹp bỏ sự chấp ngã và nên chuyển hóa cái tôi riêng tư thành vô ngã, chuyển cái tôi hẹp hòi ích kỷ thành cái tôi công đức như một vị Thầy đã nhắn nhủ: “Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi” (nói cho dễ hiểu là khi làm một việc gì cũng hướng về lợi ích của chúng sinh thì mình sẽ không còn tâm phân biệt ta với người).

     Phương pháp thù thắng nhất để thấu hiểu lý Vô ngã là Thiền Vipassana. Đây là đường đến Thánh quả, do đó chúng ta nên cố gắng thực hành. Tôi nhớ mãi lời của Lão Tử và cũng là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma= “Tri giả bất ngôn, ngôn bất tri” (Người biết thì không nói, người nói thì không biết) để khuyên chúng ta bớt chạy theo “thế trí biện thông” mà nên thực hành, tu tập thì mới giác ngộ, giải thoát được, nếu không, sẽ chỉ là sở tri chướng! Chính vì lý do đó mà tôi quyết định ngưng tham gia chương trình nói chuyện trên đài phát thanh Saigon- Houston kể từ năm 2025. 

        Cộng tác với chương trình Văn Hóa Việt, do Trường Truyền Thống Việt phụ trách, đã 9 năm, tôi rất biết ơn BS QUÝ LINH cùng các phát thanh viên của đài Saigon- Houston đã tạo điều kiện cho tôi mở mang kiến thức, nhất là về Đạo Phật, qua việc soạn 9 bài nói chuyện trong thời gian qua.Tôi không quên cảm ơn quý Sư Thầy, Sư Cô  cùng các vị cư sĩ đã có những bài viết và Pháp thoại rất bổ ích để tôi dùng làm tài liệu tham khảo. Tôi xin cầu chúc chương trình Văn Hóa Việt mỗi ngày mỗi phát triển hơn để đem lợi ích cho cộng đồng ngưởi Việt ở hải ngoại, nhất là cho giới trẻ.

        Trước khi dứt lời, tôi xin cám ơn chị Quý Linh và đài Sài Gòn- Houston đã tổ chức buổi nói chuyện hôm nay. Xin cám ơn quý vị thính giả của đài Sài Gòn- Houston đã theo dõi.

QL= Xin cảm ơn BS Nguyễn Quý Khoáng đã chia sẻ nhiều chi tiết rất hay về LÝ VÔ NGÃ.

Xin cảm ơn anh đã dành thời giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt.

Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Kinh Vô ngã tướng (Anatta-lakkhana sutta) trong “Căn bản học Kinh Phật”

của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.

2.Thân tâm và ta, bài thuyết trình tại Tổ đình Từ Quang, Montreal, tháng7/2008

của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.

  1. 3. Tâm và Ta , TT. Thích trí Siêu.
  2. 4. Đức Phật và Phật pháp, Đại Đức Narada, Cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch.
  3. 5. Phật học tinh hoa, Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
  4. 6. Tìm lại chính mình, HT. Thích Thánh Nghiêm.

7.Trung Đạo về Bản Ngã, Thường Hỷ Lê Niên.

  1. 8. Duy Ma Cật sở thuyết kinh,Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch và giảng.
  2. Vài ý kiến về Vô Ngã, BS Trịnh Đình Hỷ.
  3. L'enseignement central du Bouddhisme: La production conditionnée et

le non-soi, BS Trịnh Đình Hỷ.

  1. Vô ngã, Thiền định và khoa học thần kinh, BS Trịnh Đình Hỷ.
  2. Từ cái tôi đáng ghét đến lý Vô ngã, BS Nguyễn Qúy Khoáng.
  3. Tại sao người và vật đều vô ngã? Truyền Bình
  4. Thiền Tứ Niệm Xứ, TT,Thích Trí Siêu.
  5. Các bài thuyết Pháp về Lý VÔ NGÃ được ghi lại qua videos trên You tube từ các giảng sư: HT.Thích Viên Minh, HT.Thích Từ Thông, HT. Thích Pháp Tông, TS.Thích Nhất Hạnh, TS U.Jatila, TT. Thích Pháp Hòa, TT. Thích Phước Tiến, TT. Thích Viên Trí, TT. Thích Trí Siêu, TT.Thích Trí Huệ, NS Triệt Như, SC.Giác Lệ Hiếu, Cư sĩ Truyền Bình.
  6. Các bài thuyết Pháp về TỨ NIỆM XỨ được ghi lại qua videos trên You tube từ các giảng sư: HT.Thích Viên Minh, HT. Thích Tâm Hạnh, TS.Thích Nhất Hạnh, TT. Thích Pháp Hòa, TT. Thích Phước Tiến, TT. Thích Viên Trí, TT. Thích Trí Siêu, TT.Thích Trí Huệ, SC Giác Lệ Hiếu.

Ghi chú=

HT= Hòa Thượng, TS= Thiền sư, TT= Thượng Tọa, ĐĐ= Đại Đức, NS= Ni Sư, SC=Sư Cô.

Download