Nói chuyện trên đài SÀI GÒN-HOUSTON (22/6/2023)
(Đề tài: LẼ VÔ THƯỜNG)
QL= Thưa quý thính giả,
Đây là chương trình Văn Hóa Việt, do trường Truyền Thống Việt phụ trách, đến với quý thính giả của đài Sài Gòn-Houston (SG-H) mỗi tháng một lần, vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SG-H.
Hôm nay, chúng tôi có mời BS. Nguyễn Quý Khoáng đến với chương trình Văn Hóa Việt trong đề tài= LẼ VÔ THƯỜNG.
Chúng tôi xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SG-H.
QK= Xin kính chào quý vị thính giả đài SG-H. Tôi rất hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện hôm nay.
QL= Thưa quý thính giả, BS. Nguyễn Quý Khoáng đã đến với chương trình Văn Hóa Việt nhiều lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được có đôi lời giới thiệu về BS. Khoáng với những thính giả mới nghe BS. Khoáng lần đầu.
Bác sĩ NGUYỄN QUÝ KHOÁNG
- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa Saigon khóa 1968-1975 với chuyên khoa X Quang.
- Ông được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983. Làm việc tiếp tục từ 1983 đến 2009 tại bệnh viện An Bình ( là bệnh viện Triều Châu trước 1975 tại Sài-Gòn) với chức vụ là Trưởng Khoa X Quang đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh ( là tên mới của ngành X Quang) tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Sài-Gòn.
- Những năm 1997, 1998 và 1999, BS. Khoáng được mời sang Pháp làm giảng sư X Quang (Maitre de conférences invité en Radiologie) tại Đại học Y khoa Nancy.
- Ông nghỉ hưu năm 2009 nhưng tiếp tục làm việc tại Trung tâm Chẩn đoán Y Khoa Medic Hòa Hảo và giảng dạy tại các viện, trường cho đến năm 2013.
- Sau đó ông định cư tại Hoa Kỳ, bang North Carolina năm 2013 theo diện đoàn tụ gia đình.
- Từ năm 2014, BS. Khoáng lập một Website về Chẩn đoán hình ảnh <www.cdhanqk.com> để truyền đạt các kiến thức chuyên môn X Quang tới các đồng nghiệp và sinh viên Y khoa cùng các kỹ thuật viên X Quang.
QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi là phần giới thiệu BS. Nguyễn Quý Khoáng. Bây giờ chúng tôi xin bắt đầu đề tài chương trình hôm nay là bàn về LẼ VÔ THƯỜNG.
I/ QL=Thưa quý vị, để có một khái niệm về lẽ vô thường, chúng tôi xin mời BS. Khoáng trình bày định nghĩa triết học về lẽ vô thường.
QK= VÔ THƯỜNG là không thường còn, không thường hằng.VÔ THƯỜNG là mọi vật không bao giờ và không thể nào giữ được trạng thái lúc nào cũng vậy, trước sau như một, mà là thay đổi không bao giờ ngừng trong tự thể của nó.Trong vũ trụ, có vật gì là không chuyển động đâu?
Ngay đến cả một tảng đá, một bức tường mà ta thấy như im lìm nhưng bên trong, ở tầng vi mô, các nguyên tử, điện tử đang chuyển động.Tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều không phải là một thực thể bất biến. Chúng luôn luôn thay đổi, xoay chuyển không ngừng. Hiện hữu là một dòng sinh diệt liên tục. Sự thay đổi, sinh-diệt, diệt-sinh này xẩy ra từng phút, từng giây. Chính vì thế mà triết gia Hy Lạp Héraclite đã nói một câu bất hủ: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, nghĩa là khi vừa tắm lên rồi trở xuống lại thì dòng nước khác ở thượng nguồn đổ xuống, không còn là dòng nước lúc trước nữa.
Các giai đoạn của vô thường
1/ Đối với các sự vật thì quá trình vô thường diễn ra theo 4 giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Không nghĩa là sinh thành, tồn tại, hao mòn và tiêu hủy.
2/ Đối với động vật và thực vật thì đó là: Sinh, Lão, Bệnh, Tử tương ứng với sinh ra, già đi, hư hoại và chết.
3/ Đối với phần tinh thần như các ý nghĩ, cảm xúc thì cũng qua các giai đoạn: Sinh, Trụ, dị, diệt.
Chưa bao giờ 2 chữ “Vô thường” gần gũi với chúng ta như thời nay, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát vừa qua trên khắp thế giới, nhất là lúc chưa có thuốc chủng ngừa, bệnh viện quá tải, người chết không kịp thiêu hủy, ai ai cũng sợ không biết lúc nào đến lượt mình! Chữ vô thường gắn liền với cái chết. Nghĩ rộng hơn thì danh vọng, tiền bạc, tình ái... cũng vô thường. Tôi thích những câu thơ diễn tả ý này ở cuối các tập phim “Tam quốc diễn nghĩa” năm 1996:
“Bao lớp sóng xô, bấy lớp anh hùng.
Ngoảnh mặt lại, nhân tình thế thái,
Được mất bại thành,
Bỗng chốc hóa hư không.”
II/ QL= Xin cảm ơn anh đã cho định nghĩa triết học về lẽ vô thường và xin anh cho một vài ví dụ trong cuộc sống về lẽ vô thường.
QK= VÔ THƯỜNG là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân, tâm đến ngoại giới:
1/ Thân vô thường: Xét về vi mô, các tế bào trong cơ thể chúng ta thay đổi từng phút, từng giây tuỳ theo loại.Trong một giây đồng hồ, bao nhiêu tế bào chết đi thì lại có ít nhất bấy nhiêu tế bào được sinh ra.Thân xác của chúng ta thay đổi liên tục. Chỉ sau một tháng là thân xác của chúng ta không còn là thân xác cũ nữa nhưng chúng ta đâu hề biết mà cứ tưởng nó vẫn thế. Vậy là thân ta đều chịu lẽ sinh-diệt, diệt-sinh nên từ một cháu bé, ta mới thành một thanh niên hay thanh nữ rồi đến người trưởng thành và cuối cùng là một người già.
Đàn ông cũng như đàn bà có khác gì bông hoa. Lúc bông hồng hay bông sen mới là búp thì trông thật dễ thương, rồi khi nở rộ thì trông thật kiêu sa, lộng lẫy với mùi hương thoang thoảng khiến ta ngất ngây. Sau đó các cánh hoa thâm lại và nhăn nheo với mùi chát chát để cuối cùng cành hoa rũ xuống, các cánh hoa rụng dần. Đây là luật “thành-trụ-hoại-không” của Tạo hoá.
2/ Tâm vô thường : Tâm vô thường là tâm luôn thay đổi, lúc vui lúc buồn, lúc mừng lúc giận. Con người thường lầm tưởng những suy nghĩ lộn xộn, linh tinh là tâm của mình nhưng thực chất đó chỉ là vọng tâm chứ không phải là Chân tâm.
3/ Thế sự vô thường : Thế sự vô thường có nghĩa là hoàn cảnh, xã hội, sự vật, thiên nhiên chung quanh ta thay đổi không ngừng. Lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất của sự vô thường. Xã hội loài người đã trải qua bao nhiêu biến đổi từ thời kỳ nguyên thủy sơ khai đến chế độ phong kiến, nô lệ, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa ...
Chúng ta thường nói “nhân sinh vô thường” hoặc “vô thường một kiếp nhân sinh” có nghĩa là đời người không có gì bất biến mà luôn luôn thay đổi.Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của mọi vật một cách rất thâm thúy như: "Vật đổi, sao dời" hay “sông có khúc, người có lúc” hoặc "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
III/ QL= Cảm ơn anh đã cho các ví dụ về thân vô thường, tâm vô thường và thế sự vô thường. Xin anh cho biết quan niệm vô thường trong phạm vi khoa học như thế nào.
QK= Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút mỗi giây nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.Vì sự vật biến chuyển không ngừng nên sự vật không duy trì được tính đồng nhất tuyệt đối của nó.
Nói đến vô thường, đó là một chân lý. Dù cho Đức Phật có ra đời hay không thì thế gian này cũng vẫn vô thường .
Trong Kinh Tứ thập nhị chương, chương 38, có một câu chuyện: Một hôm Đức Phật hỏi các đệ tử là con người sống bao lâu? Người thì trả lời 100 năm, người cho rằng 70 năm, người lại nói vài tháng. Chỉ có một đệ tử nói rằng mạng sống con người chỉ bằng một hơi thở (vì thở ra mà không hít vào là chấm dứt sự sống). Đức Phật khen là người này hiểu Đạo!
Thật vậy, trong thực tế sinh học, tất cả chúng ta sống và chết trong từng giây. Quy trình sinh - diệt này diễn ra một cách liên tục cho đến ngày chúng ta từ giã trần thế.
Các tế bào có thời gian sống nhất định, ví dụ tế bào hồng cầu sống được khoảng 4 tháng, tế bào bạch cầu hơn 1 năm nhưng tế bào da chỉ 2-3 tuần...
Một ví dụ tiêu biểu là trong xương chúng ta có hai loại tế bào lúc nào cũng làm việc song hành nhưng ngược nhau: loại tế bào chuyên đục xương cũ (gọi là tế bào hủy xương= osteoclast), và loại tế bào khác lấp vào đó xương mới (tế bào tạo xương= osteoblast). Quy trình diệt - sinh này diễn ra liên tục. Cứ mỗi 10 năm chúng ta có một bộ xương mới hoàn toàn. Chu trình diệt - sinh tiêu biểu của xương cũng có thể dùng để giải thích chu trình của tất cả các tế bào khác trong cơ thể con người. Do đó, nói rằng chúng ta chết và sống trong từng giây không phải là một ví von, một mỹ từ tôn giáo mà là một thực tế sinh học.
Khái niệm sinh tử của tế bào không phải là điều quá mới, bởi ý niệm này đã tồn tại trong Phật giáo từ lâu dưới tên gọi “sát- na vô thường” (một sát-na nhỏ hơn 1/1000 của một giây). Nhưng giáo sư Yoshinori Oshumi có công giải thích cơ chế sinh học của chu kỳ sinh diệt tế bào trong cơ thể được gọi tên tiếng Anh là autophagy. Khái niệm autophagy dịch là “tự thực bào” có thể được xem như một minh họa khoa học cho ý niệm vô thường trong Phật giáo. Ông là giáo sư của Học viện Công nghệ Tokyo, là người Nhật thứ 4 được trao giải Nobel Y sinh học năm 2016 và là người Nhật thứ 25 được trao giải Nobel.
Còn về Vật lý Thiên văn (Astrophysics), GS Trịnh Xuân Thuận đã nói: Vũ trụ luôn biến chuyển, không bao giờ ngưng. Các vì sao cũng sinh ra, tàn lụi, rồi chết đi như tất cả chúng ta, nhưng cuộc đời của một vì sao dài hàng tỷ năm chứ không ngắn như đời sống chúng ta. Chúng ta nghĩ đang “ngồi yên” nhưng thực ra chúng ta đang chuyển động theo trái đất quanh mặt trời với vận tốc 30 km một giây và mặt trời cũng đang vận chuyển 220 km một giây quanh trung tâm của giải Ngân Hà. Chính thiên hà này cũng đang tự quay với tốc độ 90 km mỗi giây ở nơi chúng ta đang sống. Ông nghĩ rằng khoa học không thể mô tả đầy đủ sự thật về vũ trụ vì khoa học không quá tự cao như vậy. Kinh nghiệm tâm linh là con đường khác bổ túc cho khoa học. Dù theo hai hệ thống lý luận khác nhau nhưng Phật Giáo và Khoa học đã gặp gỡ trên nhiều điểm. Những nguyên lý Phật Giáo như tính tương lập (interdependence) của mọi sự vật, tất cả đều liên hệ với nhau và có duyên nhân quả với nhau (mutual causality), tính không (vacuity) và tính vô thường (impermanence) của vạn pháp, đều tương đồng với kết luận của các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ.
IV/ QL= Cám ơn bác sĩ Khoáng đã cho biết tường tận quan niệm về lẽ vô thường trong khoa học. Xin mời anh trình bày cho biết quan niệm vô thường trong tôn giáo và triết học từ xưa đến nay.
QK= Trong Luận giải về giáo lý Duy Thức, ngài Vô Trước (Asanga) đã nói: “Tất cả vạn vật được phát sinh ra do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành, không có vật nào tự nó tạo thành (nên gọi là Vô ngã) và khi sự kết hợp này tan rã thì sự hủy diệt theo sau”. Như cơ thể con người bao gồm bốn yếu tố (tứ đại: đất, nước, gió, lửa) và khi tứ đại hợp thành thì ngấm ngầm có sự hủy diệt bên trong. Đó gọi là sự vô thường của một thực thể sinh diệt. Bởi vậy cái ta hôm nay không phải là cái ta hôm qua. Phật học gọi sự thay đổi này là không phải một mà cũng không phải hai (phi nhất phi nhị). Cũng như nhìn xuống dòng sông, ta thấy dòng sông không có gì thay đổi, vẫn là dòng sông ấy, đó là không phải hai (phi nhị). Nhưng nếu quán chiếu kỹ ta thấy tất cả lượng nước trong dòng sông giây phút trước đã không còn nữa, mà đã thay vào đó lượng nước khác rồi, dòng sông khác rồi, đó là không phải một (phi nhất). Thân thể chúng ta cũng vậy.
Nếu mọi vật không lệ thuộc vào sự thay đổi liên tục mà là thường hằng thì tức khắc dòng chảy trong con người và sự phát triển sinh vật sẽ ngừng hoạt động. Nếu con người không bao giờ chết mà luôn tiếp tục ở trong cùng trạng thái như vậy, kết quả thế giới này sẽ ra sao?
Phật giáo và Ấn Độ giáo cùng chia sẻ học thuyết Vô thường, nghĩa là "không có gì tồn tại mãi mãi, mọi thứ đều ở trong trạng thái thay đổi liên tục". Tuy nhiên, họ không đồng ý với nhau về giáo lý Vô ngã, đó là liệu linh hồn có tồn tại hay không?
Phật giáo tin là bản ngã chỉ là ảo tưởng, không thật có. Cần phải không chấp vào ngã thì mới giác ngộ, giải thoát khổ đau. Còn Ấn Độ giáo thì tin ngã có thật gọi là Tiểu ngã ( Atman). Linh hồn này cần tu tập, hoàn thiện để hòa nhập vào Đại ngã (Brahman) thì sẽ đạt được hạnh phúc tuyệt đối.
V/ QL= Như vậy, có phải vô thường là một khái niệm căn bản của đạo Phật không? Xin mời anh trình bày quan niệm vô thường trong đạo Phật
QK= Theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn, Vô thường là “Không thường, không chừng kêu là: vô-thường biến dị. Lúc có lúc không, khi này khi khác, biến chuyển không ngừng. Như mới sống thoạt chết, mới trẻ liền già, mới mạnh thoạt yếu, mới khỏe liền đau. Trong thế gian này tất cả các pháp hữu vi đều sinh, diệt, biến đổi, lưu chuyển không một chút nào yên trụ, thảy đều vô thường.”
Từ vô trong vô thường có nghĩa là “không”, từ thường có nghĩa “như vậy” nên vô thường được hiểu nôm na là “không như vậy”. Vì thế, hiểu một cách đơn giản thì vô thường chính là không bền vững. Vô thường là một trong ba tính chất của tất cả sự vật . Đạo Phật còn gọi là tam pháp ấn ( Ấn hay ấn chứng là dấu chỉ điểm đúng là lời dạy của Đức Phật) bao gồm Vô thường, Khổ và Vô ngã. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là Thành, Trụ, Hoại, Không. Vô thường là một tên khác của Vô ngã. Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô thường, đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã. Ai cũng thấy vô thường nhưng chưa thật sự thấu hiểu nên vẫn buồn, vẫn khổ. Nói thì dễ nhưng làm mới khó! Có người nói mình không sợ vô thường, không sợ chết nhưng khi Thần Chết đến thì run cầm cập như trong ngụ ngôn của La Fontaine : “Thần Chết và người tiều phu”. Muốn nói là thấu hiểu vô thường là khi vô thường xẩy đến với mình thì mình vẫn an nhiên tự tại chứ không phải là bị giao động, buồn khổ.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, khi giảng cho ngài Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường, Đức Phật có nói: “Công đức lớn nhất trong tất cả các cách cúng dường là quan sát sâu sắc đạo lý VÔ THƯỜNG của sự vật.”
Ngoài ra, Kinh Kim Cương kết thúc bằng 4 câu kệ rất quan trọng:
“Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điển Ưng tác như thị quán” |
tạm dịch |
“Tất cả các pháp hữu vi như mộng, giả, bọt, bóng, như sương cũng như điện chớp, nên khởi quán như thế”. |
“Hữu vi”là tất cả những gì có tướng mạo do duyên hợp nên đều vô thường và sanh diệt. Tất cả các pháp hữu vi đều như giấc mộng, đều giả hợp như bọt nước trên đường khi mưa rơi, như bóng người và vật in trên tường trong ánh nắng mặt trời, như giọt sương trên hoa lá lúc ban mai cũng như luồng điện xẹt do sét đánh khi sắp mưa. Ta hãy thường xuyên nên nghĩ cuộc đời là như vậy.
Phật giáo dạy chúng ta phương pháp Quán vô thường để chứng nghiệm chân lý này. Việc chứng nghiệm này không phải để thoả mãn tri thức mà rất quan trọng và thực tiễn vì nó có thể giải thoát con người ra khỏi sự bám chặt vào các đối tượng (thuộc về tâm thức cũng như ngoại cảnh). Giáo lý đạo Phật thâm hậu vi diệu, có công năng giúp con người giác ngộ và giải thoát ra khỏi khổ đau.
VI/ QL= Cảm ơn BS. Khoáng đã trình bày các khía cạnh khoa học, triết học và tôn giáo của lẽ vô thường. Xin anh cho biết làm sao chúng ta có thể chấp nhận được lẽ vô thường?
QK= Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ khi sự vật thay đổi. Nhưng Vô thường là một chân lý, là lẽ tự nhiên và cần thiết cho sự sống. Vô thường không phải chỉ có mặt tiêu cực mà còn có mặt tích cực, Chúng ta thử suy nghĩ ngược lại rằng nếu trên trái đất này, mọi sự đều thường còn, nghĩa là không thay đổi thì thế gian này sẽ ra sao? Chính vì thế mà chúng ta mới phải cảm ơn vô thường vì nhờ nó mà đứa trẻ mới trưởng thành, người bệnh mới khỏe mạnh trở lại, người ác mới thành hiền, người ngu mới thành trí.
Vậy, quán vô thường theo giáo lý đạo Phật là việc làm vô cùng quan trọng.
Thực tập quán vô thường có thể giúp ta những điểm sau đây:
1/ Thấy rõ vô thường, chúng ta ý thức được cái gì đang có trong giây phút hiện tại là quý giá để trân trọng chăm sóc, vun tưới, nuôi trồng.
2/ Khi thấy tình trạng hiện tại không được như ý thì ta cũng không chán nản vì nếu ta biết cách chuyển hóa thì ngày mai tình trạng sẽ thay đổi. Chính vì thế mà một người có thể chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.
3/ Thấy vô thường của vạn vật, chúng ta có thể giảm trừ tâm tham ái, sân hận, si mê mà giữ tâm bình thản trước mọi hoàn cảnh đổi thay bất ngờ. Chúng ta sẽ có được sự an tịnh trong tâm, không đi tìm những dục lạc tạm bợ, trái lại đi tìm hạnh phúc chân thật, thường còn.
Quán chiếu vô thường để sống tự tại trong từng giây phút được thể hiện qua 2 câu thơ hơi lạ lùng nhưng không phải không có lý:
“Ngày mai chẳng biết ra sao nữa,
Mà có ra sao cũng chẳng sao.”
7/ QL=Thưa anh, nếu không hiểu lẽ vô thường, hoặc dù hiểu biết mà không chấp nhận, không nghĩ đến lẽ vô thường thì cuộc sống có thể bị ảnh hưởng như thế nào ? Xin anh cho một vài ví dụ.
QK= Thật ra, vô thường không gây ra đau khổ, mà chính vì con người chống lại lẽ vô thường nên mới khổ đau. Rõ nhất là một số người khi có tuổi, da không còn căng bóng nên đi làm giải phẫu thẩm mỹ để cố níu kéo lại vẻ đẹp xưa. Ai sống như vậy là sống với quá khứ như những người lớn tuổi thường ngồi nhớ lại một thời oanh liệt của mình rồi tiếc, rồi buồn, như vậy là quên mất giây phút hiện tại. Hiểu được lẽ vô thường, con người khéo biết sống tùy duyên nên không cố chấp thì sẽ bớt khổ nhiều. Có người nói: Lẽ vô thường là lẽ thường ở đời. Thật vậy, nếu suy nghĩ kỹ thì trên đời này, có gì là không vô thường đâu?
Có Thiền sư nói: Biết vô thường là chánh kiến, hiểu vô thường là chánh tư duy.
Vô thường là để ta ý thức về cuộc sống hiện tại một cách sâu sắc hơn chứ không phải chỉ để bất an, lo sợ. Hiểu vô thường để biết ơn vô thường, để mọi người sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau. Nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương có mấy câu thơ rất hay trong bài “Còn gặp nhau”:
“ Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời”.
8/ QL= Xin anh cho biết từ quan niệm về lẽ vô thường, chúng ta suy ra được những điều gì?
QK= Từ lẽ vô thường, chúng ta suy ra 3 điều sau đây:
1/ Vô thường gắn liền với vô ngã Vì sự vật biến chuyển không ngừng nên nó không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Đứng về thời gian, sự vật là vô thường. Đứng về không gian, sự vật là vô ngã.
Giáo lý VÔ NGÃ đã được Đức Phật kết luận trong Kinh “Vô ngã tướng” bằng một câu ngắn ngọn và rất quan trọng: “Cái này không phải là Ta, cái này không phải là của Ta, cái này không phải là tự ngã của Ta”.
“Cái này” chính là “cái ta đây”, “cái tôi đây”, “cái thân này”, “cái thân-tâm này”. Tự ngã còn được gọi là linh hồn.
2/ Vô thường còn là mộng huyễn Hiểu được lý Vô ngã, chúng ta triển khai rộng ra là Pháp vô ngã. Vạn vật trên thế gian này chỉ do duyên hợp, chúng ta càng thấm thía lẽ vô thường của trời đất. Hiểu được rõ ràng như vậy, ta mới không bị động tâm, không buồn khổ khi lẽ vô thường xẩy đến với ta. Có đó rồi mất đó. Cuộc đời có khác gì giấc mộng Nam Kha, như một tấn tuồng gồm đủ hỉ, nộ, ái, ố mà ta vừa là diễn viên, vừa là khán giả. Chức vụ mà ta được giao có khác gì một màn kịch mà ta đóng vai giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống trong 5 hay 10 năm…Khi hạ màn thì ta lại là thường dân. Nếu ta cố chấp vào cái vai đó, tưởng nó là thật, là vĩnh viễn thì khi mất nó, ta sẽ rất đau khổ.
3/ Vô thường đưa đến tình thương Tất cả mọi người, dù sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu, đẹp xấu…đều bình đẳng trước cái chết. Chúng ta đều mang bản án tử hình, chỉ có khác nhau về thời gian thi hành án mà thôi. Chúng ta như những tử tù cùng bị nhốt chung trong ngục thất, đó là ngục tam giới ( Dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Thay vì thương nhau, chia sẻ cho nhau những thực phẩm mà người nhà gửi vào, giúp đỡ nhau những lúc bệnh hoạn, an ủi nhau những lúc bị suy sụp tinh thần và tìm cách thoát khỏi ngục tù thì có người lại chia bè phái, đánh nhau, gây đau khổ cho nhau.Thật đáng buồn!
Kinh Pháp Hoa đã nói, thế giới này như căn nhà đang cháy mà chúng sinh như những trẻ nhỏ cứ nô đùa hoặc cãi nhau, tranh dành những đồ chơi.
Thái độ đúng đắn nhất là thương nhau, tha thứ cho nhau, giúp nhau thoát khỏi căn “nhà lửa” này, nghĩa là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Chỉ có tình thương mới xoá bỏ được hận thù như Đức Phật đã dạy:
“Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng,
Lấy Đức báo oán, oán mới tiêu tan”.
9/ QL= Để có một cái nhìn tích cực, xin anh cho biết ích lợi của sự thấu hiểu lẽ vô thường.
QK= Thế giới mà con người đang sống chỉ là thế giới hiện tượng. Nó không tồn tại mãi mà thay đổi liên tục. Và những người mắc kẹt trong thế giới này chính là những người đang sống trong đau khổ. Ta khổ không phải vì thế giới vô thường mà vì tâm ta tham đắm những thứ mình thích không ở mãi với mình.
Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát. Chúng ta phải quán chiếu để duy trì sự giác ngộ về vô thường, như vậy mới có thể thấu hiểu và sống với vô thường trong mọi lúc, mọi nơi. Sau đây là 3 ích lợi của sự thấu hiểu lẽ vô thường:
1/ Vô thường là điều kiện cần thiết cho mọi tiến bộ vì có vô thường thì mới có thể sửa chữa được những lỗi lầm mình lỡ mắc phải để chuyển nghiệp, để trở thành người tốt hơn, mới có thể tu tập để trở thành thánh nhân.
2/ Quán chiếu lẽ vô thường, ta không lười trễ mà cố gắng hoàn thành ước nguyện của mình.Ta biết quý trọng từng giờ, từng phút của sự sống, biết sống trong chánh niệm, biết tỉnh thức trong hiện tại.Ta ý thức được những gì đang có trong hiện tại là quý giá và trân trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng chúng.
3/ Thấu hiểu lẽ vô thường, ta không chán ghét mọi sự mà là đối xử vạn vật với tuệ giác, nghĩa là với thái độ không tham đắm và không dính mắc.Ta giữ được tâm bình thản trước mọi đổi thay bất ngờ. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chìa khóa mở cho ta cánh cửa vào giác ngộ giải thoát.
10/ QL= Cảm ơn BS. Khoáng đã giải thích rất rõ về lẽ vô thường. Xin anh cho biết làm thế nào áp dụng lẽ vô thường trong cuộc sống.
QK= Để có sự bình an trong cuộc sống, theo tôi, hãy làm những bước sau đây:
1/ Quán chiếu lẽ vô thường của đời sống, xem cuộc đời như giấc mộng.
Mặc dù biết đời là mộng nhưng chúng ta vẫn phải có bổn phận tránh làm các điều ác, nên làm các điều lành vì “nhân giả nhưng cũng có quả giả” và nghiệp báo sẽ theo ta như bóng với hình ngay trong giấc mộng. Để áp dụng trong việc sửa mình cho thật tốt, chúng ta nên nhớ lời một bậc Thầy Mật tông đã dạy:
“Hãy luôn luôn nhận thức rõ ràng tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt luyến ái và thù ghét. Hãy có tâm tốt đối với mọi loài, có tâm thương xót bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao. Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng khi bạn xem chúng là mộng huyễn. Cái chính là bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng, đây là điểm cốt yếu. Đây đích thực là tu tâm.”
Xem cuộc đời như giấc mộng, không phải là ta buông xuôi, mặc kệ, thậm chí là sống luông tuồng, vô trách nhiệm. Trái lại ta vẫn sống đầy trách nhiệm với chính mình, với gia đình mình, với xã hội vì chẳng phải mỗi kiếp sống là trường đời để chúng ta trui rèn chính mình, hoàn thiện chính mình trên hành trình đến Chân lý hay sao? Ta cũng không nên trách cứ “Ông Trời ” đã gieo tai hoạ cho loài người mà ta phải tự trách mình là đã không biết tôn trọng, bảo vệ ngôi nhà chung là Trái Đất này. Chỉ vì lòng tham mà con người đã phá hủy môi trường sống của chính mình khiến giờ đây bao nhiêu thiên tai, dịch bệnh giáng lên đầu chúng ta và con cháu chúng ta.
2/ Đừng xem cái tôi của mình to quá
Lý Vô ngã là một trong các giáo lý căn bản của Đạo Phật và độc nhất vô nhị vì không có tôn giáo nào trên thế giới này lại phủ nhận cái Ta như Đạo Phật cả.
Đây không phải là một giả thuyết mà là kết quả từ lý nhân duyên mà Đức Phật đã giác ngộ và giảng cho các đệ tử một thời gian ngắn sau ngày Thành Đạo. Khi đưa ra lý Vô ngã, Đức Phật không phải bảo chúng ta xoá bỏ cái thân này mà chỉ muốn chúng ta đừng có chấp vào nó, cho rằng nó có thật để bị dính mắc vào tham và sân.
Thấy đời là giấc mộng, thấy mình là vô ngã thì ta sẽ tránh được “stress” vì tám ngọn gió (còn gọi là bát phong gồm “Được, Mất, Khen, Chê, Vinh, Nhục,Vui, Khổ”) không lay chuyển được ta. Mình cũng có thể phạm lỗi như mọi người, do đó mình nên thông cảm, bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác.
3/ Hãy thương yêu tất cả chúng sinh
Thấy rõ được lẽ vô thường không chừa một ai, ta hãy thương mọi người vì họ cùng cảnh ngộ với mình.
Cuộc đời như tấm gương phản chiếu vì khi mình mỉm cười thì trong gương cũng cười lại còn nếu mình giơ nắm đấm lên thì trong gương cũng giơ nắm đấm. Dadi Yanki, một trong những nhà sáng lập phái Raja Yoga và là hiện thân của giá trị chuyển hoá tinh thần của thời nay, đã nói: “Nếu bạn gửi đi một nụ cười, bạn sẽ nhận lại nụ cười, vậy thì hãy gửi đi những nụ cười. Thế giới ngày nay, con người có rất nhiều thứ nhưng cái họ thiếu nhất lại là sự bình an và tình yêu thương.Vậy hãy gửi đi tình yêu thương, bạn lại nhận được tình yêu thương. Hãy sống vì một thế giới tràn đầy tình yêu thương.”
Luật nhân quả thì quá rõ ràng nhưng ta phải hiểu định luật này theo 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai vì nhân gieo xuống thì phải đủ duyên, quả mới trổ. Chúng ta đừng thấy những gì diễn ra trước mắt mà vội kết luận là luật nhân quả không đúng, là “Trời không có mắt”. Teilhard de Chardin, nhà thần học và triết gia nổi tiếng của Pháp, đã nói trong quyển: “Đời đáng sống” (La vie vaut d’être vécue) là tại sao chúng ta công nhận những định luật về vật lý trong vũ trụ nhưng chúng ta lại không tin là có những định luật về luân lý và đạo đức trong thế giới tinh thần. Do đó, ta nên giữ ý nghĩ, lời nói, việc làm trong sạch để tạo những nghiệp tốt.
Từ 3 nhận thức trên đây, ta hãy để Tâm mình buông xả, không chấp vào một điều gì, không dính mắc vào bất cứ cái gì. Xả ở đây xuất phát từ sự hiểu biết, niềm cảm thông, lòng bao dung. Xả là lòng an tịnh, quân bình, không phân biệt người với mình. Cái tôi càng nhỏ thì tâm xả càng trọn vẹn.
Trong thế giới của vô thường, Đức Phật đã nói rằng đau khổ không phải là điều tất yếu. Nó chỉ phát sinh khi chúng ta chống đối lẽ vô thường. Nếu hiểu rõ lẽ vô thường, không dính mắc vào bất cứ điều gì, thì chúng ta tự khắc thoát khỏi được khổ đau.
QL= Thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp kết thúc, xin mời bác sĩ Nguyễn Quý Khoáng phát biểu lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay về đề tài Lẽ Vô thường.
QK= Hiểu được lẽ vô thường, ta sẽ không bám víu vào bất cứ thứ gì . Ta sẽ không chấp vào cái này là ta, là của ta nên ta sẽ có tình thương với mọi người, mọi loài. Từ đó, ta sẽ ứng dụng Tứ vô lượng tâm nhưng nên đảo ngược lại để thực hành cho có kết quả, bắt đầu bằng tâm xả, rồi tới hỷ, bi và từ. Sự bình an trong tâm hồn là kết quả đương nhiên đến với mỗi người chúng ta.
Ta không đi tìm dục lạc tạm bợ mà tìm Hạnh phúc chân thật, thường còn vì mục đích cuối cùng là ta sống với con người thật của mình, đó chính là Phật tánh.
Có một câu chuyện của vị tổ Tông Tịnh Độ là ngài Thân Loan. Do đời trước có tu nên khi lên chín tuổi, ngài đến lễ hòa thượng Từ Trấn xin xuất gia.
Hòa Thượng hỏi: “Con còn nhỏ tuổi sao lại muốn xuất gia?”.
Ngài Thân Loan thưa: “Con còn nhỏ nhưng cha mẹ mất sớm, con không hiểu vì sao người ta nhất định phải chết, vì sao con lại phải xa lìa cha mẹ? Vì muốn tìm hiểu đạo lý này nên con xin xuất gia”.
Hòa thượng Từ Trấn bảo: “À tốt! Ta đã hiểu. Giờ Ta nhận con làm đệ tử nhưng trời sắp tối, thôi để sáng mai ta cạo tóc cho con”.
Ngài Thân Loan nghe vậy không chịu, thưa: “Bạch Thầy! Thầy bảo là sáng mai mới cạo tóc cho con nhưng tuổi con còn nhỏ, con không bảo đảm tâm xuất gia của con còn tới ngày mai không. Hơn nữa, tuổi của Thầy lại cao, Thầy cũng không đảm bảo sáng mai Thầy có thể thức dậy để xuất gia cho con, nên xin Thầy xuất gia cho con ngay bây giờ”.
Ngài Từ Trấn nghe xong vỗ tay cười, rất hoan hỷ: “Đúng như vậy! Lời của con nói không sai, thôi bây giờ Ta sẽ cạo tóc cho con ngay.” Sau đó, Ngài tu và trở thành vị tổ của Tông Tịnh Độ. Ngài Thân Loan đã thật sự thấu hiểu lẽ vô thường ngay từ nhỏ.
QL= Cảm ơn BS. Nguyễn Quý Khoáng đã dành thì giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt để trình bày đề tài về LẼ VÔ THƯỜNG rất thiết thực, bổ ích. Xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SG-H.
QK= Trước khi dứt lời, tôi xin cảm ơn chị Quý Linh và đài SG-H đã tổ chức buổi nói chuyện hôm nay. Xin cám ơn quý vị thính giả của đài SG-H đã theo dõi.
QL= Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình Văn Hoá Việt hôm nay và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Kinh Vô ngã tướng, Cư sĩ Thiện Nhựt-Huỳnh hữu Hồng.
2-Tạng thư sống chết, Soyal Rinpoche, Ni sư Trí Hải dịch.
3-Đức Phật và Phật Pháp, ĐĐ Narada, cư sĩ Phạm Kim khánh dịch.
4-Chuyển hoá Tâm, Shamar Rinpoche.
5-Sống hạnh phúc, chết bình an, Đức Dalai Lama.
6-Từ nội tâm hướng ra bên ngoài (Inside out), Dadi Janki.
7- Vô thường và giải thoát Đạo. HT Thích Minh Quang .
8- Sự sống sau cái chết (Life after death), Deepak Chopra.
9- Vô thường (Trích trong sách "Không diệt không sinh, đừng sợ hãi") Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
10- Biết ơn Vô thường .Thích Tâm Hiệp.
11- Nguyên lý vô thường trong triết học Phật giáo. Yamakami Sogen, Tuệ Hạnh dịch.
12- Vô thường (Phật học phổ thông). Hòa thượng Thích Thiện Hoa.
13- Sát na vô thường. Cư sĩ Trần Đình Hoành.
14- Quán chiếu vô thường. TT.Thích trí Chơn.
15- Cơ chế của “vô thường”. BS Nguyễn văn Tuấn.
16-Tương đồng giữa Khoa học và Phật giáo (theo nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận do Chân văn Tường trình bày) .
17-Nguyên lý vô thường trong triết học Phật giáo. Đạo Phật ngày nay.
18-Các bài thuyết Pháp về “Vô thường” được ghi lại trong các videos trên You tube từ các giảng sư: Thích Từ Thông, TS.Thích Nhất Hạnh, HT.Thích Viên Minh, TT. Thích Trí Chơn, TT. Thích Pháp Hòa, TT. Thích Phước Tiến, TT.Thích Minh Niệm. TT.Thích Giác Nguyên, TT.Thích Phước Tịnh.
Ghi chú= HT= Hòa Thượng, TS= Thiền sư, TT= Thượng Tọa.